
Tác hại của sữa giả đối với sức khỏe cộng đồng
Trong tháng 4/2025, Công an thành phố Hà Nội phối hợp các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, nhắm tới người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai. Kết quả giám định cho thấy, nhiều mẫu sữa không có thành phần như công bố, chứa phụ gia không rõ nguồn gốc, chỉ đạt dưới 70% tiêu chuẩn dinh dưỡng.
Trước đó, vào tháng 1/2024, lực lượng chức năng cũng phát hiện xưởng sản xuất sữa giả quy mô lớn bán qua thương mại điện tử tại Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Nhiều bạn đọc gửi ý kiến tới Báo Nhân Dân bày tỏ lo lắng trước tình trạng sữa giả tràn lan, khó phân biệt thật-giả. Một bạn đọc ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ: “Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ em và người cao tuổi trong gia đình tôi. Nhưng sau khi đọc các thông tin về sữa giả, tôi thực sự lo lắng. Người tiêu dùng nên dựa vào đâu để chọn mua sản phẩm an toàn?”.
Cảnh báo về nguy cơ từ sữa giả đối với trẻ nhỏ, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu trong những năm đầu đời. Trẻ uống sữa giả có nguy cơ thiếu hụt canxi, sắt, vitamin D, DHA…, dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và trí tuệ”.
Cũng theo bác sĩ Hoàn, một số loại sữa giả còn chứa melamine - một hóa chất công nghiệp nguy hiểm. Trẻ nhỏ nếu hấp thụ melamine có thể bị tổn thương thận, viêm ruột, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Các triệu chứng ngộ độc thường gặp gồm tiêu chảy, nôn, co giật, sốt; nếu không phát hiện kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng nặng.
Không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, sữa giả còn tiềm ẩn nguy cơ với phụ nữ mang thai. Nếu sử dụng sữa không đạt chuẩn, họ có thể bị thiếu hụt vi chất quan trọng như calci, acid folic, dễ dẫn đến thai nhi nhẹ cân, sinh non hoặc dị tật. Người cao tuổi dùng sữa giả cũng có nguy cơ loãng xương, rối loạn chuyển hóa, thậm chí ngộ độc do chức năng tiêu hóa suy giảm.
Đặc biệt, với bệnh nhân tiểu đường, ung thư hoặc người mắc bệnh mạn tính, sữa chuyên biệt đóng vai trò quan trọng trong phác đồ dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàn, một số sản phẩm sữa giả được phát hiện có chứa đường công nghiệp hoặc chất làm ngọt không phù hợp, có thể làm tăng đường huyết, gây nguy cơ hôn mê hoặc đột quỵ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, về mặt hàm lượng dinh dưỡng, những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất đúng như bảng thành phần ghi trên vỏ hộp sữa.
Rất khó để xác định sữa thật, sữa giả bằng mắt thường nhưng khi mua sữa, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm; tên công ty và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối; hạn sử dụng; bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm;... Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Thí dụ, nếu sử dụng sữa thiếu các thành phần như đã công bố lâu dài có thể sẽ thiếu hụt các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ nhỏ. Trường hợp phụ huynh quá tin tưởng vào công dụng của các sản phẩm sữa được quảng cáo mà không đưa con đi khám sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ qua giai đoạn trẻ được can thiệp dinh dưỡng kịp thời.
Bác sĩ Hưng cho biết, rất khó để xác định sữa thật, sữa giả bằng mắt thường nhưng khi mua sữa, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm; tên công ty và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối; hạn sử dụng; bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm;... Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Không mua, sử dụng các sản phẩm sữa nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét; có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp sữa bị móp méo, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng…
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin xem công ty sản xuất loại sữa đó đã có kinh nghiệm lâu năm chưa. Các thương hiệu sữa bột đó có phổ biến hay không. Nên ưu tiên mua những nhãn hiệu sữa đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan chức năng và cần cẩn trọng với các sản phẩm sữa xách tay, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Cần siết chặt quản lý, nâng cao cảnh giác để bảo vệ người tiêu dùng
Việc sử dụng sữa giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Theo các chuyên gia y tế, hậu quả lâu dài của việc này là tăng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, gia tăng bệnh mạn tính, giảm tuổi thọ và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng y tế. Mất niềm tin vào thị trường cũng khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thực phẩm và dinh dưỡng.

Các sản phẩm sữa giả không chỉ gây hại đến sức khỏe, mà còn làm mất đi sự tin tưởng vào ngành sản xuất thực phẩm của Việt Nam. Điều này có thể kéo theo sự giảm sút trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm sữa chính hãng, ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm sữa giả được phân phối qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, khiến người tiêu dùng khó kiểm soát chất lượng. Bao bì sản phẩm được thiết kế giống hàng chính hãng, in đầy đủ thông tin thành phần, mã QR, nhưng thực chất không có giá trị xác thực.
Người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ, chỉ mua sản phẩm tại các hệ thống phân phối uy tín, kiểm tra mã xác thực, tem chống hàng giả và tuyệt đối không mua sữa qua các nguồn không rõ ràng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Thái Quang, Phó Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam, khuyến nghị người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ, chỉ mua sản phẩm tại các hệ thống phân phối uy tín, kiểm tra mã xác thực, tem chống hàng giả và tuyệt đối không mua sữa qua các nguồn không rõ ràng.
Bên cạnh đó, ông Quang nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao năng lực kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất sữa giả.
“Các doanh nghiệp sản xuất chân chính cần chủ động bảo vệ thương hiệu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng và gìn giữ niềm tin vào sản phẩm nội địa”, ông Quang nói.
Nạn sữa giả không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối nguy hại trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Theo các chuyên gia, để ngăn chặn hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Quan trọng hơn cả, mỗi người dân cần trang bị kiến thức tiêu dùng thông minh để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi hiểm họa mang tên “sữa giả”.