Đợt này có 6 sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh gồm: Sản phẩm Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh và sản phẩm Chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên, đều là sản phẩm của huyện Yên Sơn; Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, huyện Chiêm Hóa; Sản phẩm Siro chanh và Siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo, huyện Hàm Yên.
Công ty Cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Vương Quốc Anh, với số lượng 2.200 sản phẩm đã được đóng gói theo dạng chai, hộp, lọ và dán tem nhận diện thương hiệu.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) cho biết, qua thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang. Đơn vị đã thực hiện giới thiệu, chào hàng hơn 50 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu. Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu. Trong đợt 1, đơn vị lựa chọn xuất khẩu 6 mặt hàng. Đối với sản phẩm bưởi Soi Hà, đơn vị đã đặt hàng 10.000-15.000 quả bưởi da xanh theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Dự kiến cuối tháng 10 năm 2024 sẽ tiến hành xuất khẩu.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, các sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm nông sản chủ lực tiểu biểu của tỉnh Tuyên Quang, đã được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước. Tuy tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong đợt 1 năm 2024 chưa cao, nhưng đây là kết quả bước đầu của hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng mang định hướng xuất khẩu, nhằm đưa chất lượng sản phẩm nông sản đặc sản, chủ lực của Tuyên Quang vươn xa ra nước ngoài.
Trong gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng được quá trình chế biến sản phẩm; hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh tổ chức Sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm an toàn thực phẩm; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, GLOBAl GAP, chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn quốc tế, để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.
Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản: giới thiệu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; Kết nối đưa các sản phẩm tại các trung tâm thương mại, các siêu thị và lên sàn giao dịch thương mại điện tử...
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 189 sản phẩm 3 sao; 31 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tỉnh đã xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; có 107 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.