Hành vi quảng cáo sai sự thật của những nghệ sĩ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Nguồn: Internet.
Chỉ cần mở YouTube, Facebook hay Tiktok sẽ bắt gặp ngay các nghệ sĩ quảng cáo từ bột làm trắng, kem dưỡng da trị mụn, thuốc tăng cân, giảm cân cho đến thực phẩm hỗ trợ sinh lý… Nhiều người đã vì tin tưởng và hâm mộ mà sử dụng theo họ, kết quả là tiền mất tật mang.
Trước đây, các nghệ sĩ quảng cáo thông qua hình thức tham gia video với tư cách diễn viên, diễn theo kịch bản. Nhưng nay, họ quảng cáo bằng hình thức livestream, nghĩa là trên tài khoản cá nhân, nghệ sĩ sẽ giới thiệu hay quảng bá về một sản phẩm nào đó. Tuy nhiên đã có không ít quảng cáo sai sự thật. Tháng 9/2023, nghệ sĩ Cát Tường thừa nhận nói quá công dụng khi cho rằng một sản phẩm sữa có thể thay thế thuốc trị bệnh tiểu đường. Tháng 6/2021, nghệ sĩ Hồng Vân xin lỗi khán giả vì quảng cáo thổi phồng công dụng về viên sủi thảo dược. Tháng 7/2021, hoa hậu Mai Phương Thúy xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm giảm cân đã bị thu hồi giấy phép…
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, nếu những sự việc như thế này không có sự kiểm soát chặt chẽ cũng như không có hành lang pháp lý đầy đủ thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội. Bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rộng trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), người có tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng thường thu hút được sự tin tưởng, tạo ra được làn sóng, xu thế để sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của những người đó đã từng sử dụng. Người tiêu dùng mua sản phẩm nếu như những sản phẩm đó đúng với tính năng chất lượng sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu không đúng với tính năng chất lượng thì sẽ tạo ra nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực rất lớn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ VHTTDL bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Theo dự thảo Luật sửa đổi có 2 quy định mới nổi bật: Thứ nhất, người có tầm ảnh hưởng được định nghĩa là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000. Thứ hai, người quảng cáo phải có hợp đồng văn bản thực hiện quảng cáo, khi đánh giá sản phẩm, cần có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoạt động quảng cáo ngoài trời... Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo lần này vẫn giữ nguyên quy định về trường hợp yêu cầu thẩm định. Dự thảo quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.
“Để đảm bảo hoạt động hiệu quả của Hội đồng thẩm định, tại Điều 9 Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể thành phần của Hội đồng thẩm định với sự tham gia của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và các chuyên gia thuộc các lĩnh vực nhằm xác định toàn diện tính trung thực, chính xác của sản phẩm quảng cáo nhằm đưa ra kết luận đúng đắn đối với sản phẩm cần thẩm định. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo mở rộng thành phần của Hội đồng thẩm định, đồng thời giao Bộ VHTTDL quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của tổ chức cá nhân khi họ yêu cầu, góp phần tạo sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo” - bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chúng ta nên đi trực diện vào hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ, đó chính là vấn đề kinh tế. Nếu những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật thì biện pháp đầu tiên là hạn chế, như xử phạt hành chính và thông báo về cơ quan chủ quản nơi nghệ sĩ đó đang công tác.
Với vai trò thành viên trong ban soạn thảo dự thảo, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, luật cần chế tài được những người nổi tiếng ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chỉ có như vậy mới hạn chế được những loại quảng cáo gây hại cho xã hội.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam), dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi là nỗ lực rất lớn để kiểm soát tình hình quảng cáo hỗn loạn hiện nay trong xã hội cũng như mạng xã hội. Tuy nhiên cần phải quy định, làm rõ ai là người có thương hiệu, có ảnh hưởng lớn. Cần phải có bộ tiêu chí, bộ chỉ báo để xác định ai là người có ảnh hưởng. Để xử lý, ngăn chặn những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong việc quảng cáo sai sự thật thì phải xử lý nghiêm theo quy định và bất cứ ai khi thực hiện quảng cáo đều phải có hợp đồng.