Tháng 3/2023, chị L.D. ở thị xã Sa Pa thấy trên Facebook hiện lên một fanpage mang tên cuộc thi mẫu nhí nổi tiếng. Mong muốn cho con được thử sức trong dịp hè, chị D. đã like và theo dõi fanpage. Ngay lập tức, chị D. đã nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản tên Đào Trọng Nghĩa và đề nghị được hướng dẫn cách đăng ký cho con ứng tuyển mẫu nhí cho chương trình. Sau đó, người này yêu cầu chị D. sang mạng xã hội Telegram để tham gia “làm nhiệm vụ”.
Các nhiệm vụ ban đầu chỉ đơn giản là chụp ảnh màn hình website gửi vào group Telegram và nhấn phím 1 để xác nhận. Đến nhiệm vụ cuối cùng thì các đối tượng yêu cầu chị D. phải chuyển khoản 30 triệu đồng tiền thanh toán để “đẩy nhanh tiến độ” và “tăng lượng ads cho thương hiệu”. “Bất cứ khi nào tôi nói bận đi đường hoặc bận công việc là đối tượng Nghĩa lại yêu cầu cả nhóm chờ đợi và liên tục thúc giục. Trong group còn có những “phụ huynh ảo” với các lệnh chuyển tiền “ảo” để tăng lòng tin. Ngay sau khi tôi chuyển đủ số tiền theo yêu cầu thì toàn bộ nhóm “bay màu”. Biết bị lừa, tôi đã liên hệ admin của fanpage để báo cáo và được biết rất nhiều phụ huynh cũng bị như mình” - Chị D. kể lại.

Chị V.D.L. ở thành phố Lào Cai cũng cho biết, sau khi lướt Facebook, chị L. thấy page “Canifa - Chắp cánh ước mơ mẫu nhí” đăng bài tuyển mẫu nhí cho nhãn hàng. Nhìn vào số lượng người theo dõi và các nội dung đăng tải có vẻ uy tín, chị L. quyết định nhắn cho con gái tham gia trải nghiệm để giúp con tự tin hơn. Ngay lập tức, chị nhận được tin nhắn phản hồi hệ thống đã xét duyệt con chị trở thành người mẫu nhí cho thương hiệu thời trang và được giới thiệu kết bạn Zalo với một tài khoản tên Vũ Thị Thủy được gọi là “chuyên viên tư vấn” để trao đổi công việc.
Trong nhóm Zalo có khoảng hơn 10 thành viên và Vũ Thị Thủy là quản trị gửi những nội dung thử thách cho các thành viên để nhận tiền. Thủy yêu cầu chị L. mỗi lần được hệ thống gửi nhiệm vụ xuống sẽ có một đường link, bấm vào sẽ hiện ra sản phẩm của công ty, chị L. chỉ cần nhấn nút yêu thích, tương tác với sản phẩm và chụp lại màn hình gửi lên nhóm. Ngay lập tức tài khoản của chị L. sẽ nhận được tiền. Cảm thấy nghi ngờ vì nội dung nhóm Zalo không hề liên quan tới công việc tuyển mẫu nhí, chị L. thắc mắc thì được giải thích: Hiện tại, ban lãnh đạo công ty đưa ra thử thách nhằm 2 mục đích, thứ 1 về sự tích cực của phụ huynh có muốn gắn bó với công ty và dành thời gian cho bé hay không, thứ 2 về thúc đẩy sản phẩm thương hiệu, sau này bé tham gia sẽ có điểm tựa thương hiệu lớn để phát triển. Sau khi chị hoàn thành đủ 5/5 sản phẩm, hệ thống sẽ có nhiệm vụ tri ân. Với mỗi sản phẩm bán ra thị trường, chị và bé sẽ nhận được 10% doanh thu.
Thấy “mùi lừa đảo”, chị L. đã tỉnh táo chụp lại toàn bộ nội dung nhóm Zalo rồi gửi cho Fanpage có tích xanh của thương hiệu thời trang Canifa. Tại đây, chị được giải thích rằng nhãn hàng không tuyển mẫu nhí qua bất kỳ hội nhóm và Fanpage nào trên nền tảng Facebook. Đặc biệt, Canifa khuyến cáo gia đình cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em, phòng ngừa đối tượng lợi dụng mục đích xấu, không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo.

Thời gian qua, nhiều bậc phụ huynh muốn con được tham gia những khóa học về mẫu nhí để tăng thêm phần tự tin và có thêm các trải nghiệm. Lợi dụng nhu cầu này, các đối tượng lừa đảo đã tạo lập nên nhiều trang Facebook, hội nhóm Zalo trên mạng xã hội nhằm đăng tải tin tuyển mẫu nhí tràn lan. Chỉ cần nhập từ khóa “Tuyển mẫu nhí” trên mạng xã hội, lập tức hàng chục trang xuất hiện như “Người mẫu nhí” với gần 25.000 thành viên, “Người mẫu ảnh nhí” với gần 20.000 thành viên... Các trang này thường xuyên đăng tải các nội dung tuyển người mẫu nhí với chào mời lương, thưởng hấp dẫn. Ấn nút thích hay bình luận dưới bất kỳ một trang Facebook tuyển mẫu nhí nào, ngay lập tức các bậc phụ huynh sẽ nhanh chóng được các đối tượng nhắn tin tiếp cận mời chào. Sau đó, các đối tượng yêu cầu phụ huynh sử dụng ứng dụng Telegram để ứng tuyển cho con và được cho vào một nhóm có các bậc phụ huynh khác.

Chị Lương Út Huệ, Chủ nhiệm Trung tâm Đào tạo mẫu nhí SKY Art Center Lào Cai cho biết: Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, các bé có cơ hội được nhãn hàng mời đi chụp hình, trình diễn và có thu nhập cần phải trải qua khoảng thời gian rèn luyện, trau dồi kỹ năng chuyên môn về người mẫu, mẫu ảnh ở các trung tâm đào tạo. Không có nhãn hàng lớn tuyển mẫu “nghiệp dư” với mức chi phí “hời” như quảng cáo. Hơn nữa, với đơn vị tổ chức chuyên nghiệp các chương trình lớn sẽ có thông tin, hình ảnh minh bạch, cụ thể địa điểm, thời gian... trên báo chí, truyền thông, Fanpage về các hoạt động có thực. Các bậc phụ huynh nên kiểm tra, gọi điện lại vào số hotline để xác thực thông tin trước khi đăng ký cho con để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Theo khuyến cáo của ngành công an: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới như sử dụng giao thức kết nối internet để giả số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án; lừa đảo thông qua mua bán hàng hóa qua mạng xã hội; lừa đảo "tuyển mẫu nhí"... Để hạn chế tối đa khả năng mình trở thành nạn nhân, cơ quan công an khuyến cáo người dùng cần phải trang bị những kiến thức nhận biết và phòng ngừa cần thiết như: không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết; trình báo cơ quan công an nơi gần nhất khi nghi vấn có hành vi thủ đoạn vừa nêu. Nếu gặp phải các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần giữ bình tĩnh ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… để cung cấp cho lực lượng chức năng, tiện cho việc điều tra truy bắt các đối tượng lừa đảo.