
Để học sinh được khám phá, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa địa phương, Trường Mầm non Nghĩa Đô đã xây dựng các không gian văn hóa tại trường. Mỗi lớp học đều bố trí góc văn hóa để học sinh tìm hiểu, trải nghiệm. Các em còn được trải nghiệm tiết học thực tế ở các lễ hội, các điểm di tích lịch sử trên địa bàn.


Đặc biệt, các tiết học tìm hiểu về văn hóa địa phương luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của phụ huynh. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với cô giáo để đến trường hướng dẫn các cháu làm quả còn, quả yến, học đan lát, đan dây thổ cẩm và tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Tày nơi đây” - ông Lương Thanh Thiếu, phụ huynh học sinh ở bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô chia sẻ.

Em Lương Tuyết Hồng, lớp mầm non 5 tuổi A, điểm trường trung tâm, Trường Mầm non Nghĩa Đô hào hứng: Con rất thích đến trường, vì con vừa được học tập, vui chơi cùng các bạn, lại vừa tìm hiểu thêm về văn hóa dân tộc Tày.

Trường Mầm non Nghĩa Đô có 11 nhóm lớp/3 điểm trường, với tổng số 287 trẻ, gần 100% học sinh dân tộc Tày. Việc lồng ghép văn hóa địa phương vào giáo dục không chỉ giúp học sinh hiểu và bảo tồn giá trị truyền thống, tạo nền tảng để phát triển bền vững.

Mô hình “Trường học gắn với du lịch cộng đồng” tạo môi trường học tập thân thiện, mang đến cho học sinh cơ hội khám phá, trải nghiệm và nâng cao ý thức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương.