Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại bản Nặm Cằm, xã Nghĩa Đô. Đến thời điểm này, sau 2 tháng thi công, ngôi nhà của anh Lương Thanh Uyên đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Từ xa nhìn lại, ai cũng có thể nhận ra ngôi nhà mới mang kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày nơi đây. Điều khác biệt cơ bản là toàn bộ hệ thống cột, xà, khung nhà và bếp đều được đúc bằng bê tông cốt thép thay vì bằng gỗ như những ngôi nhà làm truyền thống.

Anh Uyên cho biết, năm 2008, khi mới ra ở riêng, do điều kiện gia đình khó khăn nên không đủ tiền mua nhiều gỗ tốt để làm ngôi nhà sàn truyền thống mà chỉ làm nhà gỗ với gác xép thông thường. Qua thời gian, đến nay, ngôi nhà đã xuống cấp, không an toàn.
Bao năm qua, anh Uyên vẫn ao ước làm được một ngôi nhà sàn theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày quê mình nhưng không có gỗ tốt để thực hiện. Nhờ bà con giới thiệu, anh Uyên đã thuê thợ về xây khung nhà sàn bằng bê tông, dựng được ngôi nhà như mong ước.
Cách nhà anh Uyên không xa, ngôi nhà của chị Hoàng Thị Thanh Thúy nổi bật với khung sơn màu vàng và mái lợp bằng lá cọ theo đúng kiến trúc truyền thống của nhà sàn ở Nghĩa Đô.
Đến gần, nhìn những hàng cột, xà, tường nhà, nhiều người vẫn nhầm tưởng đây là ngôi nhà gỗ vì có những đường vân gỗ nổi rất đẹp. Thực ra, đây là ngôi nhà sàn với bộ khung hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, được sơn giả gỗ rất tinh tế nên vừa đẹp, kiên cố, vừa hài hòa với môi trường xung quanh.


Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thanh Thúy chia sẻ: Do không có gỗ để dựng nhà và chi phí mua gỗ cao nên gia đình đã lựa chọn xây bằng bê tông cốt thép và sơn giả gỗ. Tổng chi phí xây dựng ngôi nhà khoảng 500 triệu đồng. Nhà sàn bằng bê tông kiên cố, chắc chắn hơn nhà gỗ, không phải lo khi trời mưa lũ, không gian rộng rãi, thoáng mát, thuận tiện trong sinh hoạt. Đặc biệt, nền nhà lát bằng đá hoa nên vừa mát, vừa thuận tiện trong vệ sinh hằng ngày. Tôi rất vui vì gia đình đã làm được ngôi nhà sàn theo bản sắc dân tộc Tày để ở và tiếp đón anh em, bạn bè đến chơi mỗi dịp lễ tết.
Bản Nặm Cằm có 76 hộ dân, đều là đồng bào dân tộc Tày. Cả thôn có 69 ngôi nhà sàn, trong đó 60 ngôi nhà sàn gỗ và 9 ngôi nhà sàn mới được làm bằng bê tông.
Không chỉ ở Nặm Cằm, mà ở các thôn, bản khác trên địa bàn xã Nghĩa Đô, hai năm trở lại đây, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, ngày càng xuất hiện nhiều nhà sàn bằng bê tông thay thế những ngôi nhà đã cũ và hư hỏng. Dù là nhà sàn bằng bê tông nhưng hầu hết đều được lợp mái bằng lá cọ, tường vách bằng gỗ hoặc tre nên vẫn mộc mạc, gần gũi, hòa hợp với quang cảnh làng quê Nghĩa Đô.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi, 81 tuổi, người luôn trăn trở với việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Tày cho biết: Người Tày sinh sống ổn định ở vùng đất này từ khoảng thế kỷ 15, dùng các vật liệu có sẵn như gỗ, tre, nứa để làm nhà sàn cho phù hợp với điều kiện sống, đề phòng được thú dữ.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, kiến trúc nhà sàn của người Tày có sự thay đổi cho phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội, từ nhà lều, đến kiểu nhà con ma, kiểu nhà Cai Tư, rồi sang kiểu nhà sàn chấn song 4 bức.
Từ năm 1990 - 2000, xã Nghĩa Đô có khoảng 80% là nhà sàn. Về sau, có thời điểm nhà sàn đứng trước nguy cơ bị mai một, hoặc một số người trẻ tách ra ở riêng làm nhà mới thay đổi kiến trúc nhà sàn truyền thống.


Những năm gần đây, công tác bảo tồn nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô được quan tâm hơn, tuy nhiên, việc tìm các loại gỗ tốt để làm nhà rất khó, chi phí rất tốn kém, làm nhà gỗ cũng mất nhiều công. Vì thế, nhiều hộ dân khi làm nhà mới đều lựa chọn giải pháp làm nhà sàn bằng khung bê tông cốt thép.
Nhà sàn bê tông dù thợ làm giỏi đến mấy thì đường nét cũng không được mềm mại, tinh tế, thanh thoát như nhà sàn gỗ nhưng về cơ bản vẫn giữ được kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào Tày nơi đây, lại kiên cố, vững chãi, thuận tiện cho sinh hoạt.
Theo thông tin từ UBND xã Nghĩa Đô, toàn xã hiện có 13 thôn, bản với 1.188 hộ dân, 826 ngôi nhà sàn, chiếm gần 70% tổng số hộ dân; trong đó 773 ngôi nhà sàn gỗ và 53 nhà sàn bằng bê tông cốt thép.
Hầu hết nhà sàn bê tông được xây dựng từ năm 2024 trở lại đây, trong đó nhiều ngôi nhà được người dân xây dựng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.



Ông Lương Cao Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã, cấp ủy, chính quyền rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, không để mất đi những ngôi nhà sàn truyền thống, xen vào những ngôi nhà lạc điệu về kiến trúc, làm mất vẻ đẹp của các bản làng.
Giải pháp thiết thực là làm nhà sàn bê tông cốt thép thay thế vật liệu gỗ. Khi nghiên cứu bê tông hóa nhà sàn truyền thống, xã có sự tham khảo ý kiến của các nghệ nhân, người cao tuổi ở các thôn bản nên đảm bảo về mặt kiến trúc.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, giúp các hộ nghèo, kinh tế khó khăn có nhà ở ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở nhiều nơi, vấn đề bảo tồn kiến trúc nhà cổ, nhà truyền thống rất đáng quan tâm.
Giải pháp xây dựng những ngôi nhà sàn bê tông cốt thép nhưng vẫn giữ kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở xã Nghĩa Đô là rất thiết thực, tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng xã Nghĩa Đô trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc, thân thiện với du khách.