Thực hiện cam kết với UNESCO, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Thắng, Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Phóng viên (PV): Thưa ông, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là đơn vị nghệ thuật giàu truyền thống văn hóa của tỉnh Bắc Ninh, ông có thể khái quát đôi nét về đơn vị mình?
Ông Lê Mạnh Thắng: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tiền thân là Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập từ năm 1969. Năm 2013, Đoàn được nâng cấp thành Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật đặc sắc của làn điệu dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhà hát có chức năng cơ bản là bảo tồn, gìn giữ giá trị dân ca quan họ truyền thống và quảng bá, giới thiệu các chương trình, tiết mục nghệ thuật dân ca quan họ nâng cao. Ngoài ra, nhà hát còn tham gia biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và bạn bè, du khách quốc tế.
![]() |
Một tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ trẻ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. |
PV: Trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh, thời gian qua, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã chú trọng những vấn đề gì?
Ông Lê Mạnh Thắng: Nhà hát đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu bổ sung các bài hát, hình thức hát truyền thống, thể nghiệm các hình thức biểu diễn hát quan họ trên sân khấu; đào tạo truyền dạy cho các thế hệ diễn viên trẻ trong nhà hát; phối hợp, quảng bá, truyền dạy làm nòng cốt cho phong trào ca hát quan họ ở các địa phương.
Một nhiệm vụ chúng tôi thường xuyên quan tâm là tổ chức các buổi biểu diễn chuyên nghiệp nhằm đưa những giá trị đặc sắc, nhân văn của dân ca quan họ Bắc Ninh thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong năm 2017, theo kế hoạch, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tổ chức tham gia 150 buổi biểu diễn, trong đó có 3 sự kiện lớn đã và đang được thực hiện là chương trình "Âm vang miền quan họ" tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh), "Về miền quan họ" tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) và đặc biệt là chương trình "Hát quan họ trên thuyền" tổ chức định kỳ thứ 7 hằng tháng tại Công viên Nguyên phi Ỷ Lan (Bắc Ninh).
PV: Các buổi diễn có mật độ dày và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, vậy quá trình tuyển chọn các nghệ sĩ kế cận của nhà hát được thực hiện như thế nào để phù hợp với điều này?
Ông Lê Mạnh Thắng: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh tổ chức các cuộc thi hát dân ca trên địa bàn tỉnh để tuyển chọn những gương mặt nghệ sĩ mới bảo đảm tốt chuyên môn. Những nghệ sĩ trẻ này sẽ tiếp tục được các nghệ sĩ có kinh nghiệm của nhà hát kèm cặp, truyền vai qua những buổi tập, biểu diễn. Thông qua các buổi tập, chính nghệ sĩ trẻ cũng là người góp phần thể nghiệm, "làm mới" các tiết mục dân ca quan họ, từ đó giúp quan họ đến gần hơn với công chúng, nhất là đối tượng trẻ.
PV: Nhưng việc "làm mới" liệu có làm mất đi bản sắc của các làn điệu quan họ cổ không, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Thắng: Đây là điều chúng tôi luôn cân nhắc hết sức thận trọng trong quá trình thực hiện. "Làm mới" tiết mục quan họ phải được thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của hội đồng tư vấn, các chuyên gia như: Nhạc sĩ Đức Miêng, Lê Danh Khiêm, NSƯT Xuân Mùi… Mục đích của việc “làm mới” các tiết mục dân ca quan họ nhằm tạo được dấu ấn phù hợp với người nghe hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc gốc của quan họ.
PV: Được biết, theo quy hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh, đến năm 2020 Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được nâng cấp thành Trung tâm Bảo tồn không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Vậy Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ làm gì để hướng tới mục tiêu đó, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Thắng: Chúng tôi đang từng bước tháo gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng phục vụ của mình. UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh với số vốn đầu tư hơn 178 tỷ đồng trên diện tích 19.000m2. Tuy nhiên, biên chế được giao của đơn vị quá ít so với quy mô hoạt động của một nhà hát chuyên nghiệp, trong đó một số nghệ sĩ, diễn viên cao tuổi không còn phù hợp để trình diễn trên sân khấu. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt chúng tôi phải thường xuyên ký hợp đồng lao động với 15 nghệ sĩ trẻ nhằm đáp ứng nhiệm vụ biểu diễn. Thời gian tới, nhà hát sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, tính chuyên nghiệp của các buổi biểu diễn để giữ vững uy tín, thương hiệu của đơn vị nghệ thuật hàng đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ ở Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!