Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh.
Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính của cả hệ thống hành chính và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương...
Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2023; về cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo, đồng thời kịp thời chỉ đạo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong cải cách hành chính tại các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, các cuộc làm việc với địa phương và nhiều diễn đàn khác.
Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tế, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 4.142 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.
Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra cải cách hành chính được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần lan tỏa tinh thần cải cách hành chính đến người dân, xã hội và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Đã có 493 cơ quan, đơn vị thuộc bộ, 424 đơn vị cấp sở, ngành và 397 UBND cấp huyện đã được kiểm tra trong năm 2023. Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 9 tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã đề ra…
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính trong năm 2023 còn một số bất cập, hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương. Cải cách thủ tục hành chính đã có cải thiện so với năm 2022 nhưng vẫn còn hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng một số cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và nhiệm vụ ở một số bộ, ngành và địa phương…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt trong năm 2023. Năm 2024, Chính phủ xác định quan điểm đẩy mạnh cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, từ đó tạo ra khí thế mới, động lực mới cho sự phát triển. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các bộ, cơ quan, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về cải cách hành chính.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong cải cách thể chế, cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cải cách thủ tục hành chính phải đơn giản hóa để dễ thực hiện, giảm chi phí tuân thủ; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Cải cách bộ máy hành chính phải xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách tài chính công theo hướng tăng thu, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư cho sự phát triển; chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công. Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tập trung cho chuyển đổi số, giải quyết công việc trên môi trường mạng, phát triển công dân số, xã hội số...