Bát Xát - 1 hành trình, 5 điểm đến

1. Cột cờ Lũng Pô

Cột cờ Lũng Pô thuộc địa phận thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, là công trình khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, vừa có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn. Cột cờ Lũng Pô cao 41m, phần thân 31,43 m mô phỏng chiều cao 3.143 m của đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương, lá cờ diện tích 25 m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Lào Cai yêu thương.

Cột cờ Lũng Pô.
 Cột cờ Lũng Pô.

Không sôi động, nhộn nhịp như những điểm du lịch khác của Lào Cai, Lũng Pô yên bình và trầm mặc, thiêng liêng. Đặc biệt, tại mỏm đất thượng du cạnh ngã ba sông biên giới còn có cột mốc biên giới 92. Đứng trên cột cờ Lũng Pô hay cột mốc biên giới 92, nhìn dòng sông mải miết chảy về xuôi, một cảm giác tự hào dân tộc mãnh liệt trỗi dậy trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến nơi đây.

2. Đỉnh núi Lảo Thẩn

Núi Lảo Thẩn thuộc thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát nổi tiếng được người dân địa phương gọi là “nóc nhà Y Tý” với đỉnh núi nhọn hoắt vươn mình sừng sững giữa mây trời. Ngoài ra, một số ít đồng bào dân tộc sinh sống dưới chân núi còn gọi đây là núi Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi là Hâu Pông San.

Bát Xát - 1 hành trình, 5 điểm đến ảnh 2
 Đỉnh núi Lảo Thẩn hấp dẫn du khách.

Với độ cao 2.860 m, đây là một trong những ngọn núi cao nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là dãy núi có “biển mây” dày nhất. Từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm là thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục “nóc nhà Y Tý”. Nhờ những tầng tầng lớp lớp mây vô tận uốn quanh các ngọn núi, Lảo Thẩn trở thành miền đất hứa cho những người đam mê mạo hiểm, thích khám phá.

Để chạm tay tới đỉnh, du khách leo quãng đường dài khoảng 9 km, trải nhiều  địa hình khác nhau như khu vực sân bay Phìn Hồ; khu rừng tống quá sủ cổ thụ; đồi xuyên khung; rừng cháy… Cả hành trình kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ sẽ thử thách thể lực cũng như lòng quyết tâm của du khách. Đặc biệt, những loại hoa rừng đẹp, lạ mắt cùng với thiên nhiên hoang sơ sẽ tiếp thêm động lực cho mỗi du khách trên hành trình chinh phục đỉnh Lảo Thẩn. Năm 2021, đỉnh Lảo Thẩn có hàng nghìn lượt du khách tham quan. Hiện nay, đỉnh Lảo Thẩn đang được UBND huyện Bát Xát lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

3. Đỉnh núi Ky Quan San

Đỉnh núi Ky Quan San thuộc địa phận thôn Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Là đỉnh núi cao thứ 4 tại Việt Nam, Ky Quan San (3.046 m) được ví như “thiên đường trên mặt đất” bởi đại dương mây và những dải sao vô tận về đêm. Phía dưới chân núi là bản làng người Mông dọc theo dòng suối và bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang.

Để chinh phục đỉnh Ky Quan San, du khách leo 14 km đường rừng, trải qua những cánh rừng nguyên sinh, dòng suối trong vắt, đồi trọc, rừng trúc… Không những vậy, bạn còn được trải nghiệm những vách đá cheo leo toàn rêu phủ, đặc biệt là “sống lưng khủng long”, rừng hoa đỗ quyên tuyệt đẹp. Dù con đường chinh phục đỉnh Ky Quan San có khó khăn, mọi người cũng sẽ không chùn bước bởi được khám phá cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ dọc đường đi và biển mây đang chờ đợi phía trước.

Đặc biệt, leo núi Ky Quan San, du khách sẽ dừng chân tại đỉnh “núi Muối”. Đây được ví là điểm đón bình minh và hoàng hôn trên biển mây đẹp nhất Việt Nam. Mây “núi Muối” đã trở thành thương hiệu đầy hấp dẫn đối với những ai đam mê xê dịch. Bên cạnh đó, nơi đây cũng là điểm săn sao lý tưởng về đêm.

4. Thôn văn hóa Choản Thèn

Choản Thèn là một trong những thôn cổ của người Hà Nhì đã tồn tại trên 300 năm của xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trải qua lịch sử hình thành lâu đời, thôn Choản Thèn vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của người Hà Nhì đen. Ngày 7/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1926 công nhận thôn Choản Thèn là điểm du lịch cấp tỉnh.

Choản Thèn dịch từ tiếng Hà Nhì có nghĩa là bản làng có hình tròn và xung quanh là những thửa ruộng bậc thang bao quanh (Choản nghĩa là tròn - vòng, còn Thèn có nghĩa là ruộng). Thôn có diện tích tự nhiên 236 ha, nằm cách trung tâm xã Y Tý khoảng 2 km, cách biên giới Việt - Trung khoảng 6 km.

Cuối thôn là công viên Choản Thèn với 2 cây Đuya già cổ thụ hàng trăm năm tuổi, du khách thường truyền tai nhau là “cây hạnh phúc”. Đứng ở đây, du khách có thể ngắm di sản thung lũng ruộng bậc thang Thề Pả. Vào độ tháng 5, tháng 6 mùa nước đổ, ruộng bậc thang Choản Thèn lấp lánh dưới nắng, bắt đầu một mùa vụ mới. Để rồi cuối tháng 8, đầu tháng 9, mùa vàng kết hợp với màu xanh núi rừng khiến cả thôn đẹp đến nao lòng.

Ngoài những thửa ruộng bậc thang, Choản Thèn còn nổi tiếng gần xa với những ngôi nhà trình tường, rừng già Y Tý, rừng trúc và những dải mây bồng bềnh men theo sườn đồi. Ngoài ra, người Hà Nhì đen vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa như trang phục truyền thống, nghề nấu rượu, đan lát, trang trí hoa văn thổ cẩm và các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian.

5. Thác Ong Chúa

Bát Xát là vùng đất của những thác nước hùng vĩ, thơ mộng ngày đêm tung bọt trắng xóa, mà nổi bật nhất là thác Ong Chúa thuộc địa phận thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Người dân nơi đây kể lại, ngày xưa, trên vách thác cheo leo có những tổ ong khổng lồ nên gọi là thác Ong Chúa.

Từ trung tâm thôn Nhìu Cồ San, du khách mất khoảng 2 km đi bộ vào tới thác Ong Chúa. Trên con đường đá cổ, du khách còn được ngắm những cây phong cổ thụ vào mùa thay lá đổ vàng. Đến thác Ong Chúa, ta như lạc vào một không gian khác biệt, thác nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống, những bức tường đá phủ đầy rêu, cỏ cây xanh mượt. Phía dưới chân thác là dòng suối trong xanh uốn lượn tạo thành những “bể tắm” tự nhiên tuyệt đẹp.

Vào những ngày nắng, đến thác Ong Chúa, du khách sẽ được ngắm cầu vồng lung linh bắc qua thác nước. Dưới ánh nắng rực rỡ, con thác trắng hiện lên nổi bật giữa khung cảnh rừng núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Thác Ong Chúa cũng là điểm nghỉ chân lý tưởng trên hành trình chinh phục đỉnh núi Nhìu Cồ San.

Còn thôn Nhìu Cồ San nằm trên con đường đá cổ Pavie được người Pháp cho khảo sát và xây dựng cách đây hơn 100 năm, với chiều dài 80 km, bắt đầu từ xã Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Chà Phà (tỉnh Lào Cai) vượt đèo Gió thuộc dãy Nhìu Cồ San sang Sàng Ma Pho - Chà Phà - Phong Thổ - Mường So (tỉnh Lai Châu).

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngày 1: Khám phá thác Ong Chúa và “săn” trái tim trên đá

Chinh phục núi Nhìu Cồ San Ngày 1: Khám phá thác Ong Chúa và “săn” trái tim trên đá

Núi Nhìu Cồ San theo tiếng dân tộc Mông có nghĩa là núi Sừng Trâu. Đây là dãy núi thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn với độ cao 2.965 m so với mặt nước biển, đứng thứ 9 trong tốp 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Để chinh phục núi Nhìu Cồ San, người leo sẽ mất khoảng 2 ngày 1 đêm. Ngày đầu tiên, cung đường từ chân núi lên tới lán nghỉ có rất nhiều cảnh đẹp để lại ấn tượng sâu đậm cho người leo.

Kỳ cuối: Chạm mặt quần thể đỗ quyên khổng lồ

Chinh phục Sinh Tcha Pao - “săn” đỗ quyên khổng lồ Kỳ cuối: Chạm mặt quần thể đỗ quyên khổng lồ

Tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao, chúng tôi thức dậy giữa đại ngàn khi những chú chim rừng vừa cất tiếng hót gọi bình minh. Dưới tán lá dày đặc của rừng nguyên sinh, trời vẫn chưa sáng. Cả đoàn lục tục nhóm lửa, nấu nước pha mì tôm làm bữa sáng.

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Kỳ 1: Gian nan chinh phục Sinh Tcha Pao

Chinh phục Sinh Tcha Pao - “săn” đỗ quyên khổng lồ Kỳ 1: Gian nan chinh phục Sinh Tcha Pao

Với những người yêu thích khám phá, chinh phục núi cao, Sinh Tcha Pao, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn như lời mời gọi hấp dẫn bởi cung đường núi hoang sơ, vắng dấu chân người, đầy thử thách với con dốc “tức thở” cùng vách đá cao dựng đứng. Sinh Tcha Pao còn hấp dẫn với quần thể đỗ quyên khổng lồ, khoe sắc rực rỡ mỗi độ tháng Ba về mà hiếm đỉnh núi nào có được.

Bức họa đồ mùa nước đổ trên vùng cao Lào Cai

Bức họa đồ mùa nước đổ trên vùng cao Lào Cai

Tháng 5, những cơn mưa rào mùa hạ ùa về làm cho những tràn ruộng bậc thang trên khắp rẻo cao Lào Cai bừng tỉnh. Mùa này, đồng bào vùng cao bắt đầu vào vụ cày cấy, làm cho khung cảnh ruộng bậc thang trở nên đẹp như bức tranh họa đồ khổng lồ với những đường nét mềm mại, màu sắc sinh động, nhất là buổi bình minh hay dưới ánh mặt trời buổi hoàng hôn.

Bát Xát - Bức họa mùa nước đổ

Bát Xát - Bức họa mùa nước đổ

Nếu du khách đang tìm kiếm một chốn du lịch vừa hùng vĩ với núi đồi, vừa lãng mạn với cỏ cây, hoa lá thì huyện Bát Xát là nơi đáng đến trong chuyến trải nghiệm vào mùa nước đổ.

Chương trình chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng du lịch tỉnh Lào Cai

Chương trình chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng du lịch tỉnh Lào Cai

Chiều 8/5, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam và nhà thầu Tư vấn Quản lý Dự án GREAT 2 (Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai) phối hợp với Sở Du lịch tổ chức chương trình chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng du lịch tỉnh Lào Cai.

fb yt zl tw