Sau một đêm nghỉ ngơi giữa rừng, sức khỏe đã hồi phục, cả đoàn nhanh chóng sửa soạn hành lý lên đường. Chảo A Sơn tiết lộ: Chỉ còn 700 m nữa là chúng ta có thể chạm tay vào đỉnh núi. Đây là quãng đường gian nan nhất nhưng sẽ gặp những cây đỗ quyên khổng lồ.
Quả thực, quãng đường 700 m từ lán tới đỉnh Sinh Tcha Pao chính là thử thách lớn nhất dành cho các đoàn leo núi. Quãng đường gần như dốc đứng liên tục, vách đá cao cùng rừng trúc gai đan dày đặc được nhiều dân leo núi chuyên nghiệp kêu khó.
Là người tổ chức hàng trăm tour leo núi cho khách du lịch mỗi năm, từng chinh phục trên 20 đỉnh núi lớn nhỏ trong nước, cuối tháng 12/2023, anh Vũ Mạnh Linh, Công ty ML Travel cùng một số nhà leo núi chuyên nghiệp thành lập đoàn, liên hệ với chính quyền địa phương để khám phá đỉnh Sinh Tcha Pao. Theo tiết lộ của anh Vũ Mạnh Linh, ngoài các nhà leo núi trong nước, đoàn còn có ông Tembabhote, nhà leo núi chuyên nghiệp tới từ Nepal - người đã nhiều lần chinh phục thành công đỉnh Everest.
Anh Linh chia sẻ: Sinh Tcha Pao là đỉnh núi thấp nhưng có thể đưa vào top các đỉnh khó chinh phục ở Việt Nam. Là đoàn khách leo núi đầu tiên chinh phục Sinh Tcha Pao nên vừa đi chúng tôi vừa phải dò đường. Sinh Tcha Pao cũng nằm trong số ít đỉnh núi ở Việt Nam có cung đường dài với những con dốc “tức thở” liên tục. Thử thách của Sinh Tcha Pao còn đến từ những vách đá dựng đứng.
Ở Việt Nam, không có nhiều đỉnh núi mà người leo phải đu dây để vượt qua các vách đá. Sau khi đặt chân lên đỉnh Sinh Tcha Pao, ông Tembabhote cũng cho rằng đây là đỉnh núi thú vị, xứng đáng để các nhà leo núi nghiệp dư chinh phục.
Trở lại cung đường núi, đến độ cao 2.500 m, chúng tôi bị “chặn” bởi vách đá dựng đứng, có độ cao gần 20 m, ướt đẫm, trơn do nước đọng lại từ cơn mưa buổi sáng. Nhìn thấy thử thách khó, không ít thành viên trong đoàn có ý định bỏ cuộc nhưng rồi lại tự động viên bản thân vì chỉ còn 200 m nữa là tới đỉnh Sinh Tcha Pao. Sau vài phút nghỉ giải lao, cả đoàn tìm cách vượt vách đá. Chảo A Sơn, người có kinh nghiệm, kỹ năng leo núi tốt nhất đoàn được các thành viên hỗ trợ leo lên, buộc dây vào gốc đỗ quyên lớn nhất phía trên vách đá. Vừa cố định được dây thì trời lại đổ mưa, cả đoàn phải căng bạt làm chỗ trú.
Vừa mệt, vừa ngấm nước mưa, lại thêm cái lạnh của khí hậu vùng núi cao, chân tay của các thành viên đoàn leo núi tê cóng khiến việc đu dây vượt qua vách đá càng trở nên khó khăn. Thế nhưng, những thử thách này cũng không ngăn nổi quyết tâm chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao, ngắm đỗ quyên khổng lồ của chúng tôi. Cả đoàn nhanh chóng hỗ trợ nhau hoàn thành thử thách khó khăn nhất trên hành trình vượt núi.
Qua vách đá, vẫn là những con dốc “tức thở” nối tiếp nhau, hơi nước bốc lên mù mịt làm con đường càng thêm mờ ảo. Đoàn leo núi tiếp tục băng qua rừng trúc, qua những thân cây cổ thụ hình thù kỳ quái, phủ đầy rêu mốc. Đến 9 giờ 45 phút, sau gần 5 tiếng, chúng tôi đã chạm tay vào cột mốc gỗ trên đỉnh Sinh Tcha Pao. Cột mốc khắc tên đỉnh Sinh Tcha Pao cùng độ cao 2.715 m được đoàn leo núi của anh Vũ Mạnh Linh mang theo từ Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại đây trong chuyến leo núi cuối tháng 12/2023. Cả đoàn ai cũng vui sướng, tự hào khi trở thành một trong những người hiếm hoi chinh phục đỉnh núi này.
Chạm tay vào đỉnh núi, chúng tôi dành nhiều thời gian để lưu lại những khoảnh khắc đẹp bằng máy ảnh và điện thoại mang theo. Vàng A Soóc - anh cả của đoàn chia sẻ: Đứng trên đỉnh núi cao nhất vùng này, những ngày nắng có thể nhìn rất xa, thấy cả thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn), thành phố Lào Cai và thị trấn Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu… Nói rồi A Soóc hướng dẫn cả đoàn chia nhau vạch trúc, vén cây rừng, thưởng cho mình những “view triệu đô” - góc ngắm cảnh đẹp nhất trên đỉnh Sinh Tcha Pao.
Trên hành trình chinh phục đỉnh Sinh Tcha Pao, chúng tôi thường xuyên đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh phủ đầy rêu mốc, đẹp như trong truyện cổ tích. Càng lên cao, rừng càng đa dạng, hoang sơ, đẹp mê mẩn. Mãn nhãn nhất là hình ảnh những cây đỗ quyên khổng lồ, đủ loại màu hoa khoe sắc trên các triền núi.
Từ độ cao 2.000 m, chúng tôi đã bắt gặp những cây đỗ quyên mọc rải rác bên cạnh cung đường leo núi. Đến độ cao 2.500 m, bất cứ ai đặt chân đến đây cũng phải choáng ngợp trước hình ảnh cả triền núi phủ đầy đỗ quyên hoa đủ màu sắc. Ở Sinh Tcha Pao có 5 loại đỗ quyên với các màu đỏ, vàng, trắng, hồng và tím. Mặc dù thời điểm chúng tôi leo núi đã là cuối mùa hoa nhưng đỗ quyên vẫn còn khá nhiều, hoa rực rỡ tựa những đốm lửa thắp sáng trên nền xanh của rừng nguyên sinh.
Nói về quần thể đỗ quyên khổng lồ trên đỉnh Sinh Tcha Pao, anh Mạnh Linh chia sẻ: Sinh Tcha Pao không có nhiều đỗ quyên như Putaleng hay Fansipan, thời điểm chúng tôi leo hoa chưa nở. Thế nhưng, nơi này có lẽ là một trong những khu rừng rừng có cây đỗ quyên to và lâu năm nhất, có những thân cây đỗ quyên nhiều người ôm không xuể.
Không quá khi gọi Sinh Tcha Pao là “vương quốc” của những cây đỗ quyên khổng lồ. Cứ vài bước, chúng tôi lại bắt gặp một cây đỗ quyên chu vi vài người ôm. Thân cây xù xì, hình dáng kỳ quái, rễ cây đan chặt vào nhau, lớp rêu mốc phủ lên trên mềm mại như muốn nâng bước chân những người leo núi. Chúng tôi có cảm giác từ độ cao 2.500 m, mỗi bước đi đều phải đặt chân lên những cánh hoa đỗ quyên đã rụng trên mặt đất. Đỗ quyên ở Sinh Tcha Pao có kích thước khổng lồ nhưng chiều cao hạn chế bởi thời tiết và những cơn gió khắc nghiệt của vùng núi cao. Đa số những cây đỗ quyên vài người ôm chỉ cao 4 - 5 m nên người leo núi như chúng tôi dễ dàng tiếp cận, chụp ảnh.
Vượt lên trên tán lá, ngắm trọn vẻ đẹp của đỗ quyên khổng lồ, phóng viên Hoàng Thu không ngừng cảm thán: Truyện cổ tích cũng chỉ đẹp đến thế là cùng! Có lẽ, hình ảnh khu rừng trong truyện cổ tích được lấy cảm hứng từ hình ảnh tự nhiên giống như đỉnh Sinh Tcha Pao!
Lúc này, cả đoàn chẳng ai bảo ai, mỗi người chọn cho mình một góc để chiêm ngưỡng và ghi lại khoảnh khắc “có một không hai”. Đúng là vẻ đẹp của tự nhiên khó có thể diễn tả bằng lời, các thiết bị chúng tôi mang theo cũng chỉ lưu lại được phần nào vẻ đẹp của quần thể đỗ quyên khổng lồ ấy. Ai cũng chụp “cháy máy”, có người "cạn" pin điện thoại, máy ảnh khi chưa chạm đến đỉnh Sinh Tcha Pao.
Đứng trước vẻ đẹp của quần thể đỗ quyên khổng lồ, ai cũng muốn đến thật gần, ngắm thật lâu, chạm thật nhẹ vào cánh hoa mỏng manh và được hít thở bầu không khí trong lành mang theo mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ của loài hoa đặc trưng vùng núi cao.
Sau 2 ngày 1 đêm vượt núi, băng qua mưa rừng, thưởng thức vẻ đẹp của quần thể đỗ quyên khổng lồ là phần thưởng xứng đáng nhất mà chúng tôi nhận được trong chuyến đi này. Cả đường đi và đường về, khu rừng đỗ quyên khổng lồ là nơi chúng tôi dừng chân lâu nhất. Mỗi khi chân bước đi, trong lòng lại thấy tiếc nuối vì không thể ở lại lâu hơn để ngắm nhìn tuyệt tác của tạo hóa.
Sau hơn 7 tiếng "hạ sơn", chúng tôi có mặt ở điểm xuất phát khi trời đã tối hẳn. Hành trình gian nan, đầy thử thách nhưng rất thú vị kết thúc an toàn. Trước khi chia tay, Vàng A Đông tâm sự:
Em hy vọng Sinh Tcha Pao sẽ được nhiều du khách biết tới, trở thành tuyến du lịch chinh phục đỉnh cao, tạo việc làm cho thanh niên địa phương. Tất cả chúng em đều sẵn sàng làm người dẫn đường cho du khách.
Với chúng tôi, những người có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch và loại hình du lịch leo núi, chinh phục đỉnh cao, Sinh Tcha Pao là nơi hội đủ các yếu tố trở thành cung leo núi hút khách du lịch. Nếu được quan tâm, quảng bá xứng tầm, Sinh Tcha Pao sẽ có cơ hội phát triển, trở thành điểm du lịch mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho xã nghèo Nậm Chày và các địa phương lân cận.