Anh Chảo Ông Chẳn, sinh năm 1989 ở Phìn Hồ - thôn xa nhất, cao nhất của xã Tả Phời (thành phố Lào Cai). Như “hạt mầm” nảy nơi vùng đất khó, Chảo Ông Chẳn luôn hy vọng ngày mai của đồng bào ở Tả Phời, trong đó có mình, sẽ tươi sáng hơn. Nghĩ vậy, Chảo Ông Chẳn quyết tâm trở thành thầy giáo để mang ánh sáng về cho dân bản, lấy con chữ “mở đường” xuống núi.
Mùa hè khi Chảo Ông Chẳn lên 6 tuổi, thời điểm đó địa phương mở một lớp xóa mù chữ ở thôn. Cậu bé Chẳn khi ấy tối nào cũng theo cha là ông Chảo Láo Sử, một trong ít người biết chữ ở thôn (bí thư chi bộ thôn nhiều năm) đi trên con đường ngoằn ngoèo dốc núi, dưới ánh đèn pin lờ mờ chiếu trong đêm đen để vận động bà con ra lớp.
Giờ nhớ lại, anh Chẳn bảo, ngày đó còn nhỏ, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc học, chỉ nhớ lời cha khi đến từng hộ khuyên nhủ, động viên: “Hạt mầm chẳng thể lên cây nếu không có ánh sáng, cuộc đời của đồng bào Dao nơi đây sẽ không đổi thay nếu không biết đến con chữ”. Anh Chẳn thầm nghĩ, con chữ thật đặc biệt, như chiếc chìa khóa vạn năng xua đuổi cái đói, cái nghèo và cái khổ đã bủa vây ở nơi thôn cao từ bao đời.
Sau này, khi lớn hơn, theo bạn bè đến lớp, nghe cô giáo dạy, anh Chẳn hiểu vì sao mà bố mình, cô giáo lại miệt mài với con chữ, với sự học đến thế. Ước mơ trở thành thầy giáo của Chảo Ông Chẳn cứ vậy thành hình.
Sau khi lần lượt trải qua các cấp học, Chảo Ông Chẳn tiếp tục thi đỗ và theo học chuyên ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, là người đầu tiên của thôn người Dao Phìn Hồ học tới bậc học này. Biết quê hương còn nghèo khó, biết mẹ cha vất vả bán thóc, bán trâu nuôi mình đi học, Chảo Ông Chẳn càng quyết tâm học tập để được trở về vùng cao Tả Phời cống hiến.
Sau khi ra trường, năm 2012, anh Chảo Ông Chẳn nhận công tác ở Trường Tiểu học và THCS số 1 Tả Phời. Năm nào địa phương tổ chức các lớp xóa mù chữ, anh cũng tham gia. Lớp học đầu tiên mà thầy giáo trẻ đứng lớp cũng là lớp học mà anh nhớ mãi đến tận bây giờ.
Năm 2012 - 2013, lớp học xóa mù chữ ở thôn Phìn Hồ - quê hương anh Chẳn có 20 người là người dân tộc Dao theo học. Tất cả đều là người quen, người thân của anh. Cái khó mà anh Chẳn phải vượt qua là suy nghĩ, định kiến bao đời của người Dao rằng trẻ không được dạy già, con cháu không được dạy cha chú. Bởi suy nghĩ này mà học viên không mặn mà đến lớp, buổi học sau vắng hơn buổi học trước.
Anh Chẳn không bỏ cuộc, đến từng nhà trò chuyện, giải thích. Anh cũng nhờ thêm sự giúp đỡ của bố, người có uy tín với bà con dân bản tham gia cùng. Bố anh - ông Chảo Láo Sử - khuyên bà con rằng, lớp trẻ tiến bộ hơn, biết nhiều hơn thế hệ trước là niềm vui, là cái phúc của gia đình, dòng họ. Với Chảo Ông Chẳn, ông Sử bảo không được nản lòng, nhất định phải giúp đỡ anh em mình, cộng đồng mình bước ra khỏi sự tù mù trên núi cao, đuổi đi “giặc dốt”.
Chị Chảo Mùi Ghển, học viên của lớp và cũng là cô của anh Chẳn nhớ lại hình ảnh cháu mình ngày ngày cặm cụi dùng máy phát điện cỡ nhỏ để thắp chiếc bóng đèn gần bảng dạy học bất kể ngày nắng hay mưa. Ngày có khi tranh thủ đi cấy, thu hoạch trên nương cùng bà con, tối về đứng lớp. Bà con dần hiểu ra và bước qua định kiến để đến lớp học. Con chữ cứ vậy “nảy mầm” dưới ánh đèn leo lét ở Phìn Hồ. Nhờ lớp học đó mà bà con biết con số, mặt chữ, ốm đau biết đi trạm y tế, đi xa không bị lạc đường.
Mới đây, thầy giáo Chảo Ông Chẳn tiếp tục tham gia dạy lớp xóa mù chữ ở thôn Pèng. Từ những bước chân ngày còn nhỏ theo cha đến lớp xóa mù chữ, đến nay, dấu chân của thầy giáo Chẳn đã đi khắp các thôn, bản ở xã vùng cao Tả Phời để gieo con chữ, gieo tri thức cho đồng bào.
Trong ấn tượng của thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 Tả Phời, thầy giáo Chẳn là người nhiệt tình, trách nhiệm, có lợi thế là người địa phương nên biết cách tuyên truyền, vận động để bà con quan tâm việc học của con em. Thầy giáo Chẳn còn ghi điểm trong mắt đồng nghiệp khi không ngại gian khó, luôn xung phong dạy ở những điểm trường xa nhất, khó nhất.
Không biết có phải là cơ duyên hay không khi ngày đầu đi dạy, thầy giáo Chẳn dạy học ở điểm trường Ú Sì Sung. Đến hôm nay, sau hơn 10 năm công tác, người thầy ấy tiếp tục quay về dạy những đứa trẻ ở điểm trường khó khăn này. Trong tiếng của đồng bào, “Ú Sì Sung” có nghĩa là “rừng vầu đắng”, ý chỉ những rừng vầu đã bao bọc tầng tầng lớp lớp, chở che cho những chòm xóm của đồng bào Dao nơi đây.
Ngày chúng tôi lên, tuyến đường từ trường chính lên điểm trường Ú Sì Sung ngổn ngang đất đá, những điểm sạt lở sau trận mưa to vẫn còn dấu vết. Điểm trường Ú Sì Sung nằm trên non cao, mù mịt trong sương giăng. Trận đại hàn của mùa đông khiến nền nhiệt độ giảm thấp, vùng cao nơi đây chỉ còn 4 - 5 độ C, ngồi trong lớp học mà những đứa trẻ vẫn co ro vì rét cắt da cắt thịt. Thầy giáo Chẳn chốc chốc lại ra cửa lớp để chèn thêm lớp vải che chắn gió lùa.
Lớp ghép 1+2 ở điểm trường Ú Sì Sung có 13 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc Dao. Một thầy giáo, hai bảng đen. Để dạy lớp ghép, thầy Chẳn phải chuẩn bị 2 loại giáo án và sắp xếp thời gian hợp lý. Những buổi đầu đi học, có những em nhỏ chưa quen nên khóc đòi về, thầy giáo Chẳn lại ôm học trò, vỗ về bằng tiếng Dao. Những đứa trẻ dần nín, yên tâm, tin tưởng vào thầy giáo. Nhìn thấy những khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây, thầy giáo Chảo Ông Chẳn cũng thường xuyên kết nối với các nhà hảo tâm để giúp đỡ, tiếp sức cho học sinh đến lớp.
Tình yêu thương mà thầy giáo Chẳn dành cho học sinh không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một người thầy, mà hơn cả, đó là sự thấu hiểu của người sinh ra và lớn lên ở vùng cao Tả Phời khao khát được giúp đỡ đồng bào, cống hiến cho quê hương và sự đồng cảm của người cha ngày ngày chăm con thơ.
Được biết, thầy giáo Chẳn mới lập gia đình, vợ đi làm xa, một mình anh chăm lo cho con nhỏ chưa đầy 2 tuổi và mẹ già gần 70 tuổi. Hằng ngày, thầy giáo Chảo Ông Chẳn dậy từ sớm chuẩn bị đồ ăn cho con, sau đó gửi con cho mẹ già rồi tới lớp dạy. Tối về, sau khi chăm con, vỗ về con ngủ, thầy lại cặm cụi chuẩn bị bài cho buổi dạy hôm sau.
Được tiếp cảm hứng từ câu chuyện của anh trai, em gái anh là Chảo Xiết Chiêu cũng nỗ lực trở thành cô giáo mầm non ở thị xã Sa Pa. Những đồng tiền lương ít ỏi của anh trai đã giúp ước mơ của Chiêu trở thành hiện thực. Nhiều năm liền, gia đình Chảo Ông Chẳn là gia đình hiếu học ở vùng cao Phìn Hồ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, những điểm trường Can Thàng, Phìn Hồ, Ú Sì Sung… đã trở nên quen thuộc với những hành trình đứng lớp của thầy giáo Chảo Ông Chẳn. Hành trình ấy sẽ tiếp tục được nối dài để ánh sáng của tri thức lan tỏa, để cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tả Phời xóa bỏ những định kiến, hủ tục, vươn lên vì ngày mai tươi sáng.