Xuất nhập khẩu đầu năm 2024: Giao thương thông suốt với thị trường Trung Quốc

Còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây cũng là thời điểm sôi động nhất trong năm tại nhiều cửa khẩu Việt - Trung...

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tại 6 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa trong ngày 07/01/2024, tổng lượng xe xuất nhập khẩu là 1.042 xe, trong đó,xuất khẩu 427 xe (334 xe hoa quả xuất khẩu); nhập khẩu 615xe.

Xuất nhập khẩu nhộn nhịp đầu năm tại các cửa khẩu Việt - Trung.

Xuất nhập khẩu nhộn nhịp đầu năm tại các cửa khẩu Việt - Trung.

Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) - cho biết, trong tuần đầu năm 2024, số lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua 6 cửa khẩu đường bộ của Lạng Sơn tăng gần 300 xe so với một tháng trước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 400 xe chở hàng hóa xuất khẩu và có khoảng 800 xe chở hàng hóa nhập khẩu.

Số lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu tăng do vào thời điểm này các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hoa quả tươi và nông sản. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng gia tăng nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm, linh kiện máy móc… để phục vụ sản xuất thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, số lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tăng mạnh nhưng hiện thời gian thông quan hàng hóa rất nhanh. Các xe không phải chờ đợi lâu, được làm thủ tục xuất khẩu ngay trong ngày và không xảy ra tình trạng ùn ứ như mọi năm.

Để đáp ứng nhanh chóng hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai nước, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị bố trí cán bộ trực, thay phiên nhau tiếp nhận và xử lý thủ tục thông quan cho các doanh nghiệp, người khai hải quan. Kịp thời phục vụ số lượng tăng cao xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đổ về các cửa khẩu.

Còn tại Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai - cho biết, trong 3 ngày đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 5,4 triệu USD. Trong số đó, xuất khẩu đạt trên 2,8 triệu USD, nhập khẩu đạt gần 2,6 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gồm các loại nông sản như sầu riêng, chuối, khoai lang, thanh long, sắn khô, than củi, gỗ ván bóc...

Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, năm 2023, số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) là 670 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1.055 triệu USD, tăng 49% so với năm 2022 (gần 706 triệu USD). Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 549 triệu USD, tăng181% so với năm 2022 (trên 195 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, chuối, sắn, gỗ các loại, vải thiều, sầu riêng…

Có thể thấy cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng của các địa phương có cửa khẩu trong việc tạo điều kiện thuận lợi trong thông quan hàng hóa, việc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dần thích ứng với Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu (Lệnh 248) và Quy định các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) của Trung Quốc đã góp phần đảm bảo giao thương thông suốt với thị trường này.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) - cho biết, trong năm đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp, tương đương khoảng gần 3.000 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm.

Trong số trên, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý. Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Quy định 248.

Các nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

“Sau 2 năm triển khai Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc, các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đến việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp. Một cơ sở chế biến có thể đăng ký được nhiều sản phẩm nếu đáp ứng được các yêu cầu của GACC, đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký”, ông Ngô Xuân Nam chia sẻ.

Đại diện ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai – nhận định, năm 2024, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ khởi sắc hơn. Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi nên dự báo lượng xe hàng thông quan qua các cửa khẩu Lào Cai tăng mạnh.

Cũng theo Đại diện ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai, mục tiêu phấn đấu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264,7% so với năm 2023.

Những tín hiệu tích cực ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2024 tại các cửa khẩu Việt - Trung hứa hẹn hoạt động thương mại giao thương giữa hai nước sẽ ngày càng khởi sắc.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã theo dõi sát tình hình tại các cửa khẩu và kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn các tỉnh, đặc biệt là trái cây, nông sản, để chủ động, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện từ sớm, từ xa nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc tại các bến bãi, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, đưa tin về tình hình, diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan, qua đó kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề phát sinh.

Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu; Phối hợp với các địa phương thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần sang thương mại chính ngạch.

congthuong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, ngã đổ, dập nát... Ngành nông nghiệp và các địa phương đang hướng dẫn, hỗ trợ nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất.

“Cú hích” từ Chỉ thị 09

“Cú hích” từ Chỉ thị 09

Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 09 ngày 26/4/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế đặt ra mà huyện cần giải quyết.

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc

Ngày 2/10, tại tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc lần thứ XV năm 2024, với chủ đề "Chung sức, đồng lòng - Hợp tác hướng tới kỷ nguyên mới", với sự tham dự của 37 hiệp hội, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành khu vực phía bắc.

fbytzltw