Khác với trồng đào cây, đào thế, thời điểm hiện tại, người trồng đào cắt cành vẫn đang tích cực chăm sóc, thực hiện những khâu cuối cùng để có cành đào đẹp, thắm sắc mang đến người tiêu dùng trong ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Gắn bó với nghề trồng đào hơn 20 năm, ông Hoàng Đình Hân, thôn Múc, xã Thái Niên được biết đến là người tỉ mỉ, khéo tay chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán, tạo dáng để có những cành đào đẹp cung cấp mỗi dịp Tết đến. Nhiều người chọn trồng đào cây, đào thế, ông Hân lại chọn trồng đào cắt cành, bởi theo phong tục người Việt thì mùa xuân phải có hoa đào, người dân có xu hướng tìm mua cành đào nhỏ để cắm bình, cắm lọ dâng hương dịp Tết.
Ông Hân chia sẻ: Để cành đào đẹp, người trồng đã phải bỏ ra nhiều công chăm sóc, uốn nắn. Một trong những khâu quan trọng nhất là cắt tỉa cành, dưỡng nụ. Việc cắt tỉa dựa theo thế tự nhiên, để cành đào có tán vừa phải, ra hoa, đâm lộc đúng dịp Tết. Để đào sai nụ, nở đúng dịp Tết cần bổ sung dinh dưỡng định kỳ, theo dõi thời tiết. Năm nay, thời tiết tháng cuối năm ít nắng, lạnh sâu có sương muối, tôi đã phải “mặc áo” cho đào để bảo vệ, nuôi dưỡng nụ hoa.
Tôi thấy thú vị bởi cách “mặc áo” cho đào của gia đình ông Hân. Với cây đào ít nụ, nụ nhỏ, ông Hân đều trùm nilon che sương, vừa tạo không khí ấm nóng để cây phát triển đều, đẹp. Ông Hân bảo, nhiều năm nay ông dùng cách này và thấy hiệu quả.
Với mỗi khách đến vườn, tùy vào không gian nhà, nhu cầu sử dụng, ông Hân sẽ chọn lựa cho khách hàng những cành đào đẹp, hợp với nhu cầu và không quên dặn khách phương pháp chăm sóc để đào nở đẹp và bền hoa. Vụ Tết năm nay, ông Hân cung ứng ra thị trường khoảng 500 cành đào, có nhiều tiểu thương và khách hàng đã đặt trước, dự kiến từ ngày 24 - 28 tháng Chạp, khách hàng sẽ đến lấy để cắm trong những ngày Tết.
Tại thôn Quyết Tâm, người dân chủ yếu trồng hoa lay ơn đỏ và lay ơn địa phương. Đã gần 20 năm trồng hoa lay ơn bán dịp Tết, năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa mùa, ông Nguyễn Viết Nguyện lại tập trung làm đất trồng hoa. Ông Nguyện chia sẻ: Với 2 sào đất ruộng, mỗi năm tôi trồng khoảng 6 -7 nghìn củ giống. Với giá bán từ 4.000 - 10.000 đồng/cành, gia đình thu lãi hơn 30 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.
Lay ơn là hoa cắm lọ, xu hướng khách hàng sẽ mua nhiều trong những ngày cận Tết và Rằm tháng Giêng. Vì vậy, để có những cành hoa đẹp nhất cung ứng ra thị trường, gia đình ông Nguyện dùng túi lưới bọc từng bông lay ơn “hãm” không cho hoa nở sớm. Đối với những bông bắt đầu nở gia đình cắt về, bảo quản nơi râm mát để phục vụ khách hàng mua hoa cắm trong những ngày Tết.
Thời điểm này, gia đình bà Nguyễn Thị Nhánh, tổ dân phố Phú Long 1, thị trấn Phố Lu cũng đang tích cực chăm sóc ruộng hoa cúc để phục vụ nhu cầu của thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Với hơn 3 sào đất, gia đình bà trồng khoảng 10 vạn cây hoa cúc (cúc kim cương, cúc cánh dài, cúc cây các màu…), trong đó có 5 vạn cây được trồng để bán dịp Tết.
Gần chục năm gắn bó nghề trồng hoa cúc, bà Nhánh chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài các biện pháp canh tác thông thường như bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, chúng tôi còn phải căng lưới theo luống để giữ cây hoa thẳng, không bị cong, đổ, chú trọng bấm ngọn, tỉa cành, tỉa nụ, thắp điện chiếu sáng để điều chỉnh thời gian ra hoa. Năm nay, thị trường hoa có xu hướng tăng bởi nguồn cung giảm do nhiều hộ không kịp xuống giống bởi chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Hy vọng với công sức bỏ ra, người trồng hoa sẽ có vụ sản xuất thành công.
Cùng với thu hái hoa phục vụ Tết Nguyên đán, các nhà vườn còn tích cực chăm sóc để có lứa hoa đẹp phục vụ dịp Rằm tháng Giêng. Theo chia sẻ của các nhà vườn, nhu cầu hoa dịp Rằm tháng Giêng cũng rất lớn, đây sẽ là cơ hội cho nhà vườn tăng thu nhập.
Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có gần 120 ha hoa, cây cảnh phục vụ Tết, trong đó gần 100 ha đào, 16 ha hoa cắt cành (cúc, lay ơn, hồng…). Dịp Tết, trung bình hoa lay ơn đỏ cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/ha, hoa cúc khoảng 100 triệu đồng/ha, đào cảnh là 120 triệu đồng/ha. Nhiều năm nay, vụ hoa Tết đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân, góp phần cải thiện đời sống và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.