LCĐT - Qua trao đổi với đồng chí Sùng Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Tà Chải (Bắc Hà), chúng tôi được biết, tính đến tháng 12/2021, Đảng bộ xã có 184 đảng viên, trong đó 21 đảng viên đã được nhận Huy hiệu từ 30 đến 60 tuổi Đảng. Điều đặc biệt là vợ chồng đảng viên Lâm Văn Lù và Vàng Thị Tiều, dân tộc Tày, thuộc chi bộ thôn Na Pạc Ngam tính đến năm 2021 có tổng cộng 118 tuổi Đảng.
Vợ chồng đảng viên Vàng Thị Tiều, Lâm Văn Lù. |
Cùng Bí thư Chi bộ Na Pạc Ngam Vàng Thị Tuyết, chúng tôi đến gia đình vợ chồng đảng viên Lâm Văn Lù. Tại sân nhà ông bà rộn vang tiếng kèn, chiêng, trống hòa cùng điệu xòe cổ truyền dân tộc Tày của đội văn nghệ thôn đang tập chuẩn bị cho chương trình đón Xuân Nhâm Dần 2022. Tranh thủ lúc giải lao, vợ chồng ông mới có thời gian tiếp chuyện khách. Chúng tôi được biết, Chi bộ thôn Na Pạc Ngam có 29 đảng viên, trong đó đảng viên Vàng Thị Tiều có 61 năm tuổi Đảng, đảng viên Lâm Văn Lù có 57 năm tuổi Đảng.
Bà Vàng Thị Tiều sinh năm 1941, là người sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, hăng hái tham gia công tác thanh niên, phụ nữ ở xã từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Do tích cực trong công tác và có ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, đến năm 1960, bà vinh dự được kết nạp Đảng. Cũng từ năm ấy, bà được điều động chuyển lên huyện công tác làm Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Hà. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, chồng đi bộ đội nên bà xin chuyển công tác về xã để có điều kiện chăm sóc bố mẹ già và các con. Năm 1964, bà được trở về công tác tại xã Tà Chải theo đúng nguyện vọng. Trên cương vị mới, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà đã tích cực vận động gia đình chị em vào hợp tác xã nông nghiệp, xóa nạn mù chữ, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội và Nhà nước. Đến năm 1988, bà được nghỉ công tác theo chế độ. Gần 30 năm công tác liên tục, bà được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Ba…
Bà Vàng Thị Tiều phấn khởi, tự hào giới thiệu cho chúng tôi xem những tấm Huy hiệu 30, 40, 50, 55 rồi 60 năm tuổi Đảng. Mấy chục năm nghỉ công tác, bà luônphát huy phẩm chất của đảng viên, cùng chồng chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi dạy các con ăn học nên người.
Nghệ nhân Lâm Văn Lù truyền dạy sử dụng đàn tính cho con, cháu. |
Bên bàn trà thơm hương vị chè tuyết đặc sản Bản Liền được chuyền tay giữa chủ với khách cùng thưởng thức theo phong cách thân thiện của đồng bào Tày, câu chuyện cứ thế xoay vần sang người chồng của bà là ông Lâm Văn Lù. Chúng tôi được biết thêm: Ông sinh năm 1937, tham gia công tác đoàn thanh niên, làm giáo viên bình dân học vụ ở địa phương từ những năm 1955 - 1958. Hai người cùng tham gia công tác thanh niên với nhau, tình yêu đã đến với Lâm Văn Lù và Vàng Thị Tiều rồi nên duyên vợ chồng. Cưới vợ chưa được hai mùa làm nương thì năm 1959, chàng trai trẻ Lâm Văn Lù xung phong đi bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Lâm Văn Lù được biên chế về Đồn Biên phòng số 17 (Si Ma Cai). Tuy phải sống xa gia đình, xa người vợ trẻ nhưng Lâm Văn Lù vẫn bám sát địa bàn, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, mốc giới. Là người con của dân tộc vùng cao, Lâm Văn Lù rất am hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc nên đã góp phần làm tốt công tác vận động quần chúng đoàn kết, tham gia bảo vệ biên giới, ổn định và xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1962, Lâm Văn Lù hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương công tác với nhiệm vụ mới là Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã Tà Chải. Năm 1964, Lâm Văn Lù vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một năm sau, người đảng viên giàu nghị lực trong công việc đã được gánh vác nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ xã Tà Chải. Năm 1979, trên cương vị là Huyện ủy viên, ông được điều động tăng cường làm Bí thư Chi bộ xã Nàn Sán thuộc huyện Si Ma Cai cũ (mới sáp nhập với huyện Bắc Hà thành huyện Bắc Hà). Lần thứ hai trong đời, Lâm Văn Lù tạm xa gia đình trở lại địa bàn quen thuộc 20 năm trước ông đã từng công tác trong màu áo xanh của bộ đội biên phòng. Biết Nàn Sán là xã biên giới đặc biệt khó khăn, cách nhà hơn 30 cây số nhưng ông xác định đây là công việc được Đảng tin tưởng giao cho, phải làm cho tốt. Nhiệm vụ lúc này là lãnh đạo củng cố chính quyền, các đoàn thể và ổn định đời sống của bà con các dân tộc xã Nàn Sán sau chiến tranh bảo vệ biên giới (tháng 2/1979). Không sao nói hết những khó khăn, vất vả nhưng với bản lĩnh truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ và trách nhiệm của đảng viên đã giúp Lâm Văn Lù hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến năm 1981, ông lại được điều chuyển về quê nhà công tác, tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy xã Tà Chải đến khi nghỉ hưu - năm 1990.
Ghi nhận những công lao, đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 30, 40, 50 và năm 2019 ông được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Ông Lâm Văn Lù còn là nghệ nhân sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết, dân ca và điệu nhạc, điệu xòe của người Tày luôn là nét đẹp văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ và phát huy. Làn điệu dân ca của dân tộc Tày đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ tuổi ấu thơ đến tận bây giờ. Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, ông luôn trăn trở về sự mai một nét đẹp văn hóa của người Tày. Thực tế cho ông thấy, lớp người lớn tuổi biết hát những làn điệu dân ca cổ, biết đánh trống, đánh chiêng, gảy đàn tính, thổi kèn bây giờ không còn nhiều, thế hệ trẻ lại ít mặn mà. Bởi vậy, với trách nhiệm của một người cao tuổi am hiểu văn hóa truyền thống, ông luôn ý thức phải lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Từ khi về hưu, ông dành nhiều thời gian đi sưu tầm, chắt lọc và ghi chép lại những làn điệu dân ca cổ, múa xòe. Ông cho rằng, nét văn hóa phi vật thể dân tộc Tày khu vực Bắc Hà là kho tàng rất phong phú. Thời gian từ khi nghỉ hưu về địa phương là cơ hội và điều kiện để ông đi sưu tầm, tổ chức họp mặt những người biết hát, biết múa, biết đánh trống, chiêng, gảy đàn tính để lưu giữ, truyền dạy những làn điệu dân ca Tày. Ông vận động, thu hút lớp người cao tuổi và trung niên biết hát, biết múa, biết thổi kèn để thành lập Câu lạc bộ dân ca Tày ở các thôn Na Lo, Na Lang, Na Kim, Na Pạc Ngam và Na Hô. Nặng lòng với nét đặc sắc văn hóa dân tộc Tày, ông đã có sáng kiến liên kết với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức các lớp học dân ca, học múa xòe, học thổi kèn, đánh trống, chiêng, gảy đàn tính cho thanh thiếu niên, nhi đồng…
Chủ tịch UBND xã Vàng Đình Vi nhận xét: Ở xã Tả Chải có nhiều người cao tuổi, trong đó có ông Lâm Văn Lù và bà Vàng Thị Tiều rất nhiệt tình tìm kiếm, lưu giữ và truyền dạy, làm cho hoạt động của các câu lạc bộ dân ca Tày ngày càng được phát huy trong đời sống văn hóa của bà con…Lời ca, tiếng hát, điệu xòe, tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng chiêng, trống rộn ràng của người Tày nơi đây đã tác động tích cực vào thanh, thiếu niên, là sức mạnh tinh thần trong xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển du lịch Bắc Hà…
Trong nhiều năm qua, với những công lao sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và trình diễn, năm 2019, ông Lâm Văn Lùvinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đã có cống hiết xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Trao đổi thêm với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Na Pạc Ngam Vàng Thị Tuyết cho biết: Ở Đảng bộ xã Tà Chải cũng như ở Chi bộ thôn Na Pạc Ngam, vợ chồng đảng viên Lâm Văn Lù, Vàng Thị Tiều có tổng số tuổi Đảng cao nhất. Gia đình ông bà thuộc hộ kinh tế khá, hằng năm đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Gia đình 2 đảng viên này đã kế tiếp “măng mọc” thêm 4 đảng viên là 3 người con và 1 cháu nội. 2 ông bà là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, người dân trong thôn, xã noi theo…
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu