Triển vọng về xếp hạng tín nhiệm trong dài hạn là ổn định, phản ánh dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 12 tháng tới, khi nhu cầu toàn cầu khởi sắc và Việt Nam dần giải quyết được những khó khăn trong nước. Tổ chức này nêu rõ việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia như trên phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam, mức nợ chính phủ vừa phải và vị thế bên ngoài nhìn chung ổn định.
S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 5,8% trong năm 2024, sau khi giảm xuống mức 5% trong năm 2023. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa hoạt động trong khu vực. Chu kỳ tăng trưởng của ngành bán dẫn có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 khi xuất khẩu của ngành này tăng lên.
Về lĩnh vực dịch vụ, du lịch xuyên biên giới đang phục hồi, trong đó số khách du lịch Trung Quốc tăng đột biến. Theo Cục Du lịch Quốc gia, tổng lượng du khách đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 165% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi dù vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Đầu tư công có khả năng tăng tốc dần trong những năm tới, chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Trong vòng 3 - 4 năm tới, S&P Global Ratings dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ quay lại xu hướng dài hạn là từ 6,5-7%. Theo tổ chức này, dù quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam còn tiềm ẩn một số rủi ro, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan. Nền kinh tế ngày càng đa dạng, với lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ, chủ yếu là nhờ vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Việt Nam là điểm đến thu hút FDI ở Đông Nam Á nhờ lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn ngày càng cao và có tính cạnh tranh, sẽ giúp duy trì sự phát triển trong dài hạn.
S&P Global Ratings đánh giá Việt Nam có nền kinh tế vĩ mô ổn định và mạng lưới logistics phục vụ xuất khẩu ngày càng hoàn thiện, giúp ngành sản xuất trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu trong ngành điện tử, điện thoại di động và dệt may. Các ngành có vốn FDI tiếp tục thúc đẩy hoạt động trong nước, với cơ hội việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn, theo đó thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân.
Theo S&P Global Ratings, từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động thương mại đã được cải thiện rõ rệt sau khi thặng dư tài khoản vãng lai tăng trong năm 2023. Cả xuất khẩu và nhập khẩu nhiều khả năng sẽ quay lại mức tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 5,5% GDP trong năm 2024.