Chợ Kim Tân thuộc chợ hạng 2, được xây dựng năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 41 tỷ đồng và bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2017. Sau nhiều năm, đến nay, chỉ có khu chợ D dành cho ngành hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống đã được lấp đầy, còn tại 3 dãy nhà xây, toàn bộ tầng 2 trở lên đều bỏ trống.
Cụ thể, cả 4 dãy nhà chợ có tổng số 498 vị trí kinh doanh nhưng hiện có 187 vị trí bỏ trống, trong đó 104 vị trí đấu giá không thành và 83 vị trí thương nhân bỏ không kinh doanh. Nhà A và nhà B, mỗi nhà có 63 điểm kinh doanh trên tầng 2 chưa có người kinh doanh, tầng 3 sàn rộng 383 m2 chưa sắp xếp vị trí kinh doanh; nhà C có 1 điểm kinh doanh rộng 115 m2 chưa có người thuê.
Các tầng thuộc dãy nhà A, B, C chưa có tiểu thương thuê hầu hết đã xuống cấp, một số chỗ tường thấm nước ẩm mốc, bong tróc; mặt sàn lát gạch phồng rộp từng mảng lớn. Ông Phạm Văn Tư, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Kim Tân cho biết: Một số tiểu thương bỏ ki ốt không kinh doanh do tình trạng vắng khách, mặt khác, trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử khiến nhiều tiểu thương kinh doanh trong các chợ truyền thống gặp khó. Bên cạnh đó, giá thuê mặt bằng kinh doanh cao, cầu thang dẫn lên các tầng thiết kế khuất, không thuận tiện; trên tầng 2 và 3 của cả 3 dãy nhà xây chỉ có duy nhất nhà C có nhà vệ sinh. Đó là những bất cập dẫn đến nhiều ki ốt vẫn bỏ trống nhiều năm qua.
Ngoài ra, hiện tại hệ thống chống sét của chợ cũng không đảm bảo, qua kiểm tra chỉ có 4/12 vị trí tiếp địa có tác dụng. Đây cũng là một trong những lo lắng của Ban Quản lý chợ Kim Tân mỗi mùa mưa đến.
Ông Phạm Văn Tư, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Kim Tân nêu quan điểm: Để chủ động trong công tác quản lý, khai thác tại chợ Kim Tân được thuận lợi, đề nghị UBND thành phố cho phép Ban Quản lý chợ được ký hợp đồng cho thuê ngắn hạn (không quá 12 tháng/kỳ hợp đồng); không đấu giá đối với các vị trí kinh doanh đấu giá không thành công, các vị trí kinh doanh thương nhân bỏ không kinh doanh tại chợ với từng mức giá phù hợp, không theo giá phê duyệt của tỉnh. Riêng đối với vị trí kinh doanh tại tầng 2, tầng 3, do diện tích mặt sàn rộng, chỉ phù hợp với việc cho thuê làm kho, hoặc cho thuê các dịch vụ thể dục, thể thao và các dịch vụ khác, đề nghị UBND thành phố cho phép Ban Quản lý chợ điều chỉnh phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người thuê.
Tương tự, tại chợ Cốc Lếu, toàn bộ diện tích sàn tầng 3 của chợ A rộng 1.000 m2 vẫn bỏ trống cả chục năm qua. Theo thiết kế ban đầu, khu vực này để kinh doanh dịch vụ nước giải khát, ăn uống và thể dục thể hình. Ông Phạm Khắc Phương, Trưởng Ban Quản lý chợ cho biết: Trước đây, đã từng có người thuê kinh doanh dịch vụ thể dục Aerobic nhưng do tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ kinh doanh ở các tầng khác; cộng với đặc thù dịch vụ này thường hoạt động muộn, trong khi quy định giờ đóng cửa chợ lúc 18 giờ, nếu đáp ứng yêu cầu của dịch vụ kinh doanh Aerobic sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ. Do đó, sau thời gian ngắn, dịch vụ này phải đóng cửa. Vì vậy, diện tích mặt sàn rộng cả nghìn mét vuông vẫn bỏ trống và hiện đã xuống cấp, gạch lát mặt sàn nhiều chỗ bị bong tróc.
Ngoài ra, tại tầng 2 chợ A còn 11 ki ốt bỏ trống. Mặc dù đã tổ chức đấu giá mấy lần nhưng không có hộ kinh doanh tham gia đấu giá do giá thuê cao, trung bình 1 m2 khoảng 3,2 triệu đồng/tháng.
Với chợ B, do chỉ có 1 cầu thang ở giữa nên rất khó thu hút khách, nhiều hộ kinh doanh ngành hàng giày dép, quần áo, đồ nhôm, nhựa, thuốc bắc không hiệu quả.
Ông Phạm Khắc Phương, Trưởng Ban Quản lý chợ Cốc Lếu cho hay: Để khai thác hiệu quả diện tích mặt sàn tầng 3 chợ A, Ban Quản lý chợ đã kiến nghị thành phố nghiên cứu xây dựng bổ sung 2 cầu thang ngoài trời; đối với khu B, cho xây dựng cải tạo lại toàn bộ mặt tiền phía đường An Dương Vương làm lối vào tầng 2, tầng 3.
Là chợ lớn khu vực phía Nam thành phố, chợ Pom Hán cũng không là ngoại lệ. Chợ được đầu tư xây dựng năm 2014, tổng kinh phí gần 49 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đã được UBND thành phố phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, nội quy hoạt động đúng theo quy định.
Tuy nhiên, chợ hiện có 183 ki ốt bỏ trống không có người kinh doanh; trên tầng 2 nhà chợ A không có nhà vệ sinh nên không thuận tiện cho quá trình sinh hoạt.
Ông Lê Công Toàn, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai cho biết: Hiện thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, số lượng siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa gia tăng, chủng loại mặt hàng phong phú, tiện lợi, khiến nhiều tiểu thương kinh doanh ở các chợ truyền thống gặp khó. Cùng với đó, giá thuê mặt bằng cao, một số chợ thiết kế chưa hợp lý, việc sắp xếp các ngành hàng kinh doanh chưa phù hợp với vị trí là những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều ki ốt tại một số chợ lớn của thành phố bỏ trống thời gian qua.
“Phòng đã rà soát những bất cập, khó khăn và có những kiến nghị cụ thể với UBND thành phố; đề nghị với ban quản lý từng chợ nghiên cứu, rà soát, sắp xếp lại các ngành hàng ở từng vị trí cho phù hợp. Đặc biệt, kiến nghị tỉnh xem xét giảm mức giá thuê mặt bằng, có như vậy mới thu hút được các hộ kinh doanh vào trong chợ, giải quyết tình trạng nhiều ki ốt bỏ trống như hiện nay”, ông Toàn nêu quan điểm.
Liên quan nội dung này, tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thành ủy Lào Cai vào ngày 8/3/2024, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị tỉnh phân cấp cho thành phố được quyết định phương án giá thu tại các chợ. Vì từ năm 2021, thành phố đã được phân cấp tự chủ tài chính để chủ động tính toán mức thu theo thời điểm cho phù hợp với tình hình biến động của thị trường. Cùng với việc phân cấp của tỉnh, thành phố sẽ xem xét điều chỉnh ngành hàng kinh doanh tại chợ Cốc Lếu (tầng 3), chợ Kim tân (tầng 2) để thu hút tiểu thương vào kinh doanh; nếu cần thiết sẽ cải tạo cầu thang và hệ thống giao thông trong chợ nhằm thu hút cả siêu thị bán hàng đêm và ngành khác.