Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện đơn vị chức năng của một số bộ, ngành Trung ương...
Tại điểm cầu Lào Cai, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29 phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển của nước ta.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Ban hành và tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh; một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm đại học tốt nhất khu vực châu Á và thế giới. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Nhiều hạn chế, yếu kém trước đó nêu trong Nghị quyết 29 đã dần được khắc phục.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn có bất cập, hạn chế: Một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật cho đổi mới giáo dục và đào tạo chưa hoàn thiện, đồng bộ; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chậm ban hành; việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước; một số chỉ tiêu Nghị quyết 29 đề ra chưa hoàn thành...
Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu góp ý tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, toàn ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo và quản trị nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và xây dựng xã hội học; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.