Theo đánh giá tại hội đàm giao ban, thời gian qua, hai bên đã duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc giữa các cơ quan, doanh nghiệp; tích cực triển khai các chương trình hội đàm; duy trì tốt cơ chế liên lạc và điều phối; kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin chính sách quản lý thương mại biên giới, thông quan, kiểm tra, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Hai bên tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa thông quan của hai bên có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt là mặt hàng quả sầu riêng. Cụ thể, tổng giá trị xuất - nhập khẩu giữa hai bên trong 6 tháng đầu năm tăng 65,75% so với cùng kỳ năm 2023.
Các hội nghị xúc tiến xuất - nhập khẩu, hội đàm về đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại, đầu tư qua biên giới do hai bên tổ chức thu hút được sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp: Chương trình khảo sát khu thí điểm thương mại điện tử tại Hà Khẩu; chương trình giao lưu doanh nghiệp hai bên năm 2024; chương trình khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh trong Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) của các doanh nghiệp đến từ Thâm Quyến (Trung Quốc).
Các ngành chức năng liên quan của hai bên tăng cường phối hợp kết nối công tác cửa khẩu; Cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu tiếp tục hoàn thiện "luồng ưu tiên" thông quan hàng nông sản tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu; tiếp tục duy trì hoạt động thí điểm vận tải hàng hóa hai chiều để tận dụng phương tiện thùng rỗng chở hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Hai bên đã quan tâm phát triển các dịch vụ logistics đảm bảo cho lưu thông hàng hóa, tăng số lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ kho bãi, bốc xếp, vận chuyển, khai báo thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan hai bên đã tăng cường tổ chức các hoạt động đào tạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử qua biên giới. Đặc biệt, Sở Công Thương đã tham gia và hỗ trợ đưa đoàn gồm 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sang huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam tham dự hội thảo chuyên đề về phát triển thương mại điện tử do chính quyền huyện Hà Khẩu tổ chức nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử.
Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đó là: Hoạt động thí điểm triển khai vận tải hàng hóa hai chiều (xuất, nhập có hàng) số lượng doanh nghiệp tham gia còn thấp, mặt hàng nông sản chưa đa dạng. Việc vận chuyển hàng hóa của nhiều doanh nghiệp hai bên chưa có sự hợp tác chặt chẽ, hàng hóa thường phải chuyển tải thủ công từ phương tiện của bên xuất khẩu sang bên nhập khẩu, làm tăng chi phí và thời gian thông quan. Luồng ưu tiên thông quan các mặt hàng nông sản được triển khai từ 29/11/2018 đến nay chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, phương tiện chở hàng hóa nông sản chưa được dán logo nhận diện.
Tại hội đàm giao ban, hai bên đã thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới đó là: Sau khi triển khai phương án phân luồng xuất nhập (5 làn xuất/nhập) tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hai bên nghiên cứu hoàn thiện "luồng ưu tiên" qua lối đi riêng cho phương tiện chở hàng hóa nông sản để đẩy nhanh tốc độ thông quan. Cùng nghiên cứu phát triển thương mại điện tử qua biên giới, trước mắt, triển khai các chương trình khảo sát, kết nối doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát của hai bên (Viettel, Bưu điện của phía Việt Nam và các tập đoàn bưu chính, chuyển phát phía Trung Quốc,...). Cục Thương mại châu Hồng Hà sớm đề xuất xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai bên trong giai đoạn 2024 - 2026 để hai bên cùng báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép ký kết làm cơ sở triển khai thực hiện.