LCĐT - Sinh ra trong một gia đình nghèo tại quê lúa Thái Bình, chất hương đồng gió nội đã ngấm vào Hồng Thạo từ nhỏ. Khi đã trở thành tác giả được nhiều bạn đọc yêu mến, cái chất quê mùa vẫn đậm đặc trong con người và trong thơ anh.
Thơ Hồng Thạo nhân hậu, gần gũi như tiếng nói đời thường, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ ngấm vào tâm khảm bạn đọc. Đề tài trong thơ Hồng Thạo đa dạng và phong phú, trong đó, Hồng Thạo viết khá nhiều về tình cảm gia đình, quan hệ xóm giềng, khối phố, bạn bè. Hãy nghe tác giả nhớ về người mẹ thân yêu của mình khi anh còn rất nhỏ:
Con nhớ mẹ mỗi khi thức dậy
Dáng mẹ ngồi - còng xuống - hát à ơi
Tính từ chỉ hình dáng “còng” rất đắt, mang yếu tố biểu cảm sâu sắc. Chỉ cần một từ ấy thôi, Hồng Thạo đã khắc họa chân thực hình ảnh mẹ mình. Bà vất vả khổ hạnh ngay cả khi tưởng như được thảnh thơi nhất, lúc nghỉ ngơi ngồi ru con và hát à ơi. Cuộc đời bà lam lũ vì con, con càng lớn, vất vả cũng nhiều:
Con lớn khôn tóc mẹ bạc nhiều
Lưng còng xuống cuộc đời thêm vất vả…
… Thương cánh cò lặn lội chốn đồng sâu…
Khi đất nước có giặc, mẹ đành nuốt nước mắt tiễn đứa con 18 tuổi lên đường vào mặt trận, để rồi khắc khoải đợi chờ và hy vọng. Nhưng ngày chiến thắng “Anh không về nằm lại cánh rừng xa”. Để rồi mỗi dịp 30 tháng 4 (lấy làm ngày giỗ con) “Nước mắt mẹ không còn/Mẹ hóa đá/Ngắm hình anh”. Nhịp thơ ngắt quãng như những nhát dao quặn thắt. Đời mẹ là chuỗi ngày vất vả, tảo tần, hy sinh thầm lặng, để mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho cháu con; mẹ giản dị mà vĩ đại. Mẹ là ánh trăng soi rọi cho con tỏa sáng:
Chắt chiu tần tảo tháng năm
Mẹ gom nắng - hóa trăng rằm cho con
Tác giả không thi vị hóa thần tượng người mẹ, mẹ vẫn là người đàn bà nông dân thuần phác “Mùi trầu thơm mằn mặn hơi vôi/Quyện vào con trở thành thân thuộc”. Phải yêu quý mẹ vô cùng mới viết được câu thơ sâu sắc chân thành giàu cảm xúc đến như vậy, anh ước ao “Được trở về sống lại tuổi ấu thơ”. Kể cả khi mẹ về gặp tổ tiên, Phạm Hồng Thạo vẫn thấy: “Mẹ ơi, con chẳng mồ côi/Bên con, dáng mẹ suốt đời chở che”. Quả là người con thơm thảo hiếu nghĩa với đấng sinh thành, rút ruột để có những câu thơ sâu nặng nghĩa tình, vừa cảm động vừa có sức lan tỏa.
Người con ấy cũng là người chồng yêu thương vợ con hết mực. Anh thủ thỉ với vợ bằng những câu thơ mộc mạc, chan chứa yêu thương:
Xa nhau rồi em có biết không em
Những hờn giận ngày thường sao nhỏ bé
Anh chợt nhận ra tình yêu là thế
Nên suốt cuộc đời mình không thể xa nhau
Người phụ nữ ấy đã vì cái gia đình nhỏ bé mà:
Bao vất vả em lo toan gánh vác
Em tần tảo như cánh cò cánh vạc
Sưởi ấm gia đình bằng ngọn lửa yêu thương
Hồng Thạo đã tạo dựng được một gia đình ấm êm, có nền nếp. Trong mắt các con, anh là người cha đáng kính, một pho kinh nghiệm quý. Bằng trải nghiệm cuộc đời, anh dạy các con:
Là doanh nhân con nhớ kỹ một điều
Phải trung thực vươn lên bằng trí tuệ
Lấy chữ Nhân định hướng đi con nhé
Còn thắng thua… âu cũng lẽ thường tình
Anh là một doanh nhân - một tác giả thơ có tâm và có tài. Cái tâm ấy càng được anh thể hiện trong những bài thơ về tình nghĩa anh em ruột rà, máu mủ. Hồng Thạo có hai người anh không còn trên cõi thế. Một anh qua đời vì bệnh tật, một anh là liệt sỹ. Câu thơ là một lời tri ân, sâu nặng tình huynh đệ:
Sắn khoai đắp đổi qua ngày
Chúng em khôn lớn, anh gầy… gầy thêm
Người anh mất vì đói khổ. Bây giờ có bát cơm ăn, anh đã quy tiên, đành nhờ khói hương thay lời ai oán:
Mỗi năm lại một lần thôi
Viếng anh thắp nén hương rồi lại đi
Quay lại nhìn nấm mộ anh, chỉ thấy “Mưa ngâu tháng Bảy dăng đầy mặt sông”. Lời thơ xa xót đến nao lòng!
Còn người anh liệt sỹ đến bây giờ vẫn chưa tìm được mộ phần. “Anh nằm đâu trong chiều dài đất nước”. Để mỗi “Tháng Bảy về em lại đón anh/Bằng cây nến thắp trên bàn thờ vọng”. Kỷ niệm ngày anh đi vẫn hiện hữu đâu đó. Không phải cuộc chia tay màu đỏ mà buổi biệt ly đẫm nước mắt, một dự cảm mất mát vĩnh viễn. Hồng Thạo nức nở nói với di ảnh của người anh:
Ngày anh đi mẹ khóc quá đi thôi
Anh ngoái hẹn, chờ con về mẹ nhé
Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mẹ mất con, em mất anh. Cả cái tên của anh cũng không còn:
Ngày anh đi đủ họ tên mẹ gọi
Nghĩa trang giờ phần mộ vẫn không tên
Nhưng anh không chết, anh vẫn sống trong lòng dân tộc, vẫn hiện hữu trong gia đình thân yêu. Bởi “Bao xương máu của những người đi trước/Cho bây giờ tháng Bảy đỏ màu hoa”.
Cái tình của Hồng Thạo không chỉ nhỏ hẹp trong gia đình, như nhiều người quan niệm, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Anh quan tâm sẻ chia tinh thần và vật chất cho những số phận không may mắn, những hoàn cảnh khó khăn bằng những chuyến thiện nguyện lên vùng sâu, vùng xa. Anh luôn sống chan hòa với mọi người, trân trọng tình cảm láng giềng: “Tình làng nghĩa xóm đầy vơi/Chuyện buồn vui cả phố ngồi chia nhau”.
Không ồn ã, lên gân, Hồng Thạo chinh phục bạn đọc bằng giọng thơ hồn hậu, chân thực, mộc mạc. Cả những phút “xao lòng” cần những lời như rót mật vào tai nhưng anh cũng chỉ… một chút hương thầm:
Anh như cánh diều khát gió chơi vơi
Thầm ao ước chút hương cỏ mật
Hương cỏ mật - thoảng qua nghe rất mỏng
Đủ cho tình nhú nở những mầm vui…