Sau khi chọn mua một số hàng hóa ở siêu thị WinMart, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai), chị Lê Thị Thu Trang đưa thẻ ATM cho nhân viên thu ngân để thanh toán. Chị Trang cho biết: Đây đã trở thành thói quen của tôi trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tôi chỉ sử dụng tiền mặt khi đi chợ truyền thống, còn hầu hết hoạt động mua sắm, tôi thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản vì sự an toàn, thuận tiện.
Theo chị Thu Phương, nhân viên bán hàng tại siêu thị WinMart chi nhánh phường Bắc Cường, số lượng khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM, ví điện tử khi mua sắm tại siêu thị ngày càng nhiều. Khách hàng thanh toán qua app sẽ nhận ưu đãi tích điểm cho những lần mua tiếp theo.
Cũng có thói quen sử dụng ví điện tử, chị Nguyễn Kim Ngân, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) cho biết: Tôi thường xuyên thanh toán trực tuyến tiền điện, nước, điện thoại, internet; đi siêu thị, mua sắm thì quẹt thẻ. Càng ngày tôi càng thấy tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ cần ngồi ở nhà, tôi vẫn dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ thông qua vài cú chạm trên di động hoặc nhấp chuột máy tính. Gần đây, tôi còn chuyển dần sang kênh ngân hàng điện tử. Không chỉ thanh toán các loại hóa đơn, chuyển tiền mà gửi tiết kiệm, đáo hạn, tôi cũng thực hiện online.
Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, không chỉ các cơ sở kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, mà ngay cả các chợ truyền thống, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần phổ biến. Những bảng quét mã QR tại các cửa hàng đã trở nên quen thuộc với người mua và người bán. Bà Phạm Thị Yến, tiểu thương chợ Nguyễn Du, thành phố Lào Cai cho biết: Cách đây vài tháng, tôi dùng mã QR để giao dịch thanh toán, khách hàng đến mua rất thuận tiện, chỉ cần quét mã là thanh toán xong. Thế nên, tôi hằng ngày không cần phải mang nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách.
Nắm được xu hướng tiêu dùng số của khách hàng, các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp đã sử dụng các app bán hàng online để có thể tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng không giới hạn vị trí địa lý.
Kết nối với hệ thống liên ngân hàng, sử dụng ví điện tử... siêu thị thuốc Minh Kính ở thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) đã ứng dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hỗ trợ khách hàng. Mọi giao dịch chuyển tiền hoặc mua bán trực tuyến của khách hàng được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Chị Lê Thị Hồng Nhung, đại diện siêu thị này cho biết: Để tạo tiện lợi cho khách hàng thì ngoài việc bán trực tiếp tại cửa hàng, tôi cũng đẩy mạnh bán hàng qua mạng và thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, quẹt thẻ ATM.
Chị Mã Thị Hoàng An, trưởng bộ phận bán hàng đa kênh, siêu thị Go! Lào Cai cũng cho biết: Với mong muốn tạo nên sự thuận tiện nhất trong thời đại công nghệ phát triển, nhằm hoàn thiện hơn về sản phẩm và dịch vụ, Siêu thị Go! Lào Cai đã có kênh bán hàng thông qua App mua sắm với tên gọi là Go! Big C. Hình thức tiêu dùng số này là giải pháp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí cho khách hàng. Thống kê trong 3 tháng gần đây (từ tháng 7 - 9) trung bình có hơn 1.800 khách/tháng mua hàng qua App Go! Big C (chiếm 7% so với khách mua trực tiếp tại siêu thị).
Toàn tỉnh hiện có 118 doanh nghiệp/HTX/cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá sản phẩm trên hệ thống thương mại điện tử với 193 dòng sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng toàn quốc có thể đặt hàng nông sản của Lào Cai trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Postmart, Lazada…
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện 100% doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, hơn 80% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng thương mại đều có hạ tầng kỹ thuật, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ người dân như giao dịch bằng thẻ tín dụng, máy ATM, chuyển tiền qua internet, quét mã thanh toán QR...
Bên cạnh đó, người dân Lào Cai cũng dần hình thành thói quen tiêu dùng số trong thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước hoặc thanh toán trực tuyến nhiều loại phí như tiền điện, điện thoại, internet, nước, bảo hiểm… Đơn cử như gần 70% khách hàng của Công ty Điện lực Lào Cai chuyển sang sử dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Từ đầu năm 2022, việc thu tiền sử dụng nước của 52.000 khách hàng của Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai cũng đã chuyển hoàn toàn sang các ngân hàng và các đơn vị thu hộ.
Lào Cai có nhiều thuận lợi để phát triển tiêu dùng số với 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và trên 95% thôn, bản đã phủ sóng điện thoại di động; 60% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã có dịch vụ internet. Tin rằng, đây sẽ là điều kiện để tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng kinh tế số, công dân số.