Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cảnh báo tiền kỹ thuật số có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), Shaktikanta Das, ngày 21/12 cảnh báo các thị trường tiền kỹ thuật số có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vụ phá sản gần đây của sàn FTX đã phơi bày những rủi ro vốn có của lĩnh vực này.
Những phát biểu trên khép lại một năm thách thức đối với hàng triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số tại Ấn Độ, khi thị trường toàn cầu lao dốc và thuế đánh vào lợi nhuận giao dịch tiền kỹ thuật số trong nước cao.
Ông Das cho rằng, mối lo chính của RBI về tiền kỹ thuật số là đồng tiền này không có bất kỳ giá trị cơ bản nào. Quan điểm của RBI là nên cấm tiền kỹ thuật số bởi nếu nỗ lực quản lý và cho phép loại tiền này phát triển thì hậu quả sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính.
Đồng Bitcoin đã "thổi bay" hơn 2.000 tỷ USD giá trị thị trường toàn cầu so với mức đỉnh 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021. |
Các đồng tiền kỹ thuật số hiện đang chịu sự quản lý của các nhà chức trách Ấn Độ, kể từ khi bắt đầu xuất hiện tại nước này gần 1 thập niên trước, với sự gia tăng của các giao dịch bất hợp pháp, dẫn tới lệnh cấm của RBI vào năm 2018.
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm 2 năm sau đó và thị trường đã tăng trưởng mạnh, nhờ các nền tảng giao dịch mới hình thành trong nước và hoạt động quảng bá của người nổi tiếng.
Tuy nhiên, việc áp mức thuế 30% đối với lợi nhuận từ việc giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số trong năm nay khiến khối lượng giao dịch giảm chỉ còn 1/10 so với trước.
Việc giá của các đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất như đồng Bitcoin đã "thổi bay" hơn 2.000 tỷ USD giá trị thị trường toàn cầu so với mức đỉnh 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Vụ phá sản của FTX - sàn giao dịch tiền kỹ thuật số với giá trị 32 tỷ USD trước khi nộp đơn phá sản vào tháng trước, đã khiến lĩnh vực này càng bị quản lý chặt hơn.
Ông Das cho rằng, việc giá trị đồng tiền kỹ thuật số và những diễn biến gần đây sau vụ phá sản của FTX đã cho thấy những đồng tiền này có những rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.