Sự đồng thuận giữa "ý Đảng, lòng dân" đã làm nên sức mạnh tổng hợp, từng bước đẩy lùi những hủ tục, tạo sức bật mới trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Bảo Thắng. Đó là thành quả sau hơn một năm triển khai làm điểm thực hiện nếp sống văn hoá trong đồng bào dân tộc Dao đỏ tại một số địa phương trong huyện. Từ thực hiện nếp sống văn minh mà đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Bảo Thắng đã biết phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc...

Thay đổi từ nếp nghĩ...
Huyện Bảo Thắng hiện có trên 950 hộ dân tộc Dao đỏ với hơn 5.000 nhân khẩu, định cư chủ yếu ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Do giao thông đi lại không thuận tiện, đất canh tác chủ yếu một vụ, nên phần lớn đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Dao đỏ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 62%. Nhiều hủ tục tồn tại trong nếp sống của đồng bào đã khiến cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội gặp không ít trở ngại.
Để giúp đồng bào Dao đỏ đẩy lùi hủ tục, thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội không thể "một sớm, một chiều" khi những phong tục, tập quán đã ăn sâu trong đời sống. Bởi vậy, Đảng bộ, chính quyền Bảo Thắng xác định, điều đầu tiên phải bắt đầu từ thay đổi nếp nghĩ của người dân. Với sự đồng thuận của cán bộ cơ sở, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng người Dao đỏ, huyện Bảo Thắng triển khai thực hiện cải tạo tập tục lạc hậu thông qua bản cam kết thực hiện nếp sống văn hoá trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ (với 9 điều khoản) tại 3 xã Gia Phú, Xuân Giao, Phú Nhuận và thị trấn Tằng Loỏng, nơi có đông đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống.
Cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện đã nêu cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động xoá bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh làng bản xanh, sạch, đẹp. Từ đó đã làm chuyển biến mạnh nhận thức, tác động mạnh tới tâm tư, tình cảm của đồng bào... Nhờ làm tốt công tác "dân vận khéo", cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể đã tích cực vận động, thuyết phục, tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả. Đồng bào dân tộc Dao đỏ đã đồng thuận với các nội dung trong bản cam kết, từng bước cải tiến những hủ tục, xây dựng tập tục theo nếp sống mới, làm cho đời sống văn hoá của đồng bào ngày càng tiến bộ. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội giảm rõ rệt, hình thành các chuẩn mực của nếp sống văn minh. Các nghi lễ trong việc cưới hỏi, tang ma, lễ hội đều được thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Tín hiệu vui từ sự đồng lòng
Đến nay, đồng bào Dao đỏ trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã từng bước cải tạo, giản lược những hủ tục rườm rà trong việc tổ chức cúng bái, ma chay, giải hạn, cấp sắc. Không còn tình trạng tổ chức tang ma kéo dài nhiều ngày, mổ trâu, bò ăn uống linh đình. Chi phí cho các hoạt động tín ngưỡng cũng được tiết kiệm. Khi trong gia đình có người chết đã thực hiện đúng cam kết, không để người chết trong nhà quá 30 giờ và chôn cất đúng nơi quy định. Việc tổ chức cưới hỏi, dựng vợ gả chồng cũng có nhiều tiến bộ. Hiện tại, người Dao đỏ ở Bảo Thắng đã thực hiện kết hôn đúng độ tuổi, hạn chế các đám cưới thách cao, tình trạng tảo hôn, không đăng ký kết hôn. Tập quán sinh hoạt và ý thức giữ gìn môi trường trong cộng đồng làng bản cũng có nhiều chuyển biến. Từ các lớp tập huấn kỹ thuật, các gia đình đã biết làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, chăn thả đúng quy trình. Cùng với đó, đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, nâng cao giá trị thu nhập, từng bước cải thiện đời sống kinh tế. Thay đổi nhận thức, nhiều hộ dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ. Trẻ em được quan tâm chăm sóc và được bố mẹ đưa đến trường đẩy đủ. Những nghi lễ mang tính mê tín trong các hoạt động tín ngưỡng, như cúng bái, giải hạn, cấp sắc, tang ma… đã được loại bỏ. Đồng bào biết phát huy, gìn giữ những giá trị bản sắc văn hoá tốt đẹp, đoàn kết tương trợ giúp nhau trong cuộc sống cũng như những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
Từ thay đổi nhận thức đến hành động thực hiện các cam kết về nếp sống văn hoá ở mỗi gia đình người Dao đỏ, đến nay 100% số thôn người Dao đỏ trên địa bàn huyện đều thực hiện hiệu quả trong việc đẩy lùi hủ tục, góp phần tạo môi trường văn hoá lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc theo hướng văn minh, tiến bộ./.