"Hiến kế" tăng trưởng
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên xác định các bộ, ngành, địa phương dồn lực thực hiện. Từ năm 2024, việc tăng tốc cải cách thể chế đã được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi nhiều luật khác nhau và nhiều Nghị quyết, cơ chế đặc thù đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Thực hiện Đề án, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, đa dạng thị trường xuất khẩu...
"Hiện nay, gói chính sách kích thích tăng trưởng cần được thực thi và có hiệu lực ngay, nhưng không tạo áp lực lạm phát và cần có các chính sách tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, nhất là đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh...", ông Phan Đức Hiếu đề xuất.

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên năm nay là “phép thử” chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số. Vì vậy, cần phân loại giải pháp nào thực hiện được ngay để ưu tiên nguồn lực, trong đó chú trọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, vì mục tiêu này đang tăng trưởng thấp (7 - 9%) và đang có xu hướng giảm. Muốn tăng đầu tư, phải dựa vào nguồn lực tín dụng, đảm bảo tăng trưởng từ 18 - 19%/năm và kiểm soát lạm phát, nếu không doanh nghiệp khó có nguồn vốn đầu tư.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có Nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp Nhà nước không nên kinh doanh đa ngành, được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không lấn sân sang các lĩnh vực khác. Đơn cử Tập đoàn Dầu khí không phát triển các dự án điện hay bất động sản, mới có thể tập trung nguồn lực phục vụ tăng trưởng chung của quốc gia...
Gỡ vướng pháp lý bất động sản, thúc đẩy tăng tín dụng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú phân tích: “Phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Năm 2025, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và có giải pháp điều chỉnh linh hoạt.
Nếu lạm phát ở mức thấp, NHNN có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”. Qua tìm hiểu, một trong những ưu tiên của NHNN năm 2025 là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ; khai thác mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng.

Đặc biệt, từ tháng 1/2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Vì vậy, tín dụng xanh trở thành yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu.
NHNN kiến nghị, cần phải giải phóng các nguồn vốn còn nằm đọng nhiều năm nay tại các dự án hạ tầng, dự án bất động sản và các dự án ngành Công thương, trong đó vốn tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn. Để thúc đẩy tăng trưởng và kiến tạo nền tảng vững chắc thời gian tới, Chính phủ cần giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước triển khai các dự án lớn. Trên cơ sở Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua... hay quy hoạch 6 vùng kinh tế xã hội và quy hoạch các địa phương đã được phê duyệt, các ngân hàng thương mại cũng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm ban hành, thực thi các văn bản tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, tạo ra dư địa phục vụ tăng trưởng tín dụng của gần 40 ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên, cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế đối với các dự án đầu tư đang vướng mắc, tăng cường đầu tư công tác động tức thì đối với tăng trưởng kinh tế.
“Có thể phải triển khai sớm một số dự án quan trọng, điển hình như Dự án tuyến đường sắt tiêu chuẩn, kết nối quốc tế phía Bắc, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, sau đó là các tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Móng Cái... Bên cạnh đó, tập trung đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước gắn với quá trình triển khai Nghị quyết 18, các doanh nghiệp Nhà nước sắp tới cũng có sự sắp xếp tạo không gian, cơ hội phát triển doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp...”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Riêng về xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dự báo năm 2025 có thể gặp một số trở ngại liên quan tới chính sách bảo hộ như: Chính sách thuế của Mỹ, nguy cơ rủi ro đối với thị trường thương mại thế giới khi các chính sách thuế quan thay đổi... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các Hiệp định thương mại mới như CEPA...; khai mở thêm các thị trường mới, đảm bảo tính kết nối giữa đầu vào - đầu ra cho sản xuất và thúc đẩy thị trường trong nước. Việt Nam đang có vị thế tốt trong bản đồ công nghệ thế giới như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI, công nghệ cao khác... Đây là lợi thế và cũng là cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặc biệt...
Ý kiến của TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Cần giải pháp tạo thu nhập, kích cầu tiêu dùng Tăng trưởng GDP năm 2025 vẫn dựa vào những động lực truyền thống, nên cần kích cầu tiêu dùng dân cư và tiêu dùng của Nhà nước. Đây là động lực đóng góp trên 60% tăng trưởng GDP hằng năm. Vì vậy, cần những giải pháp hiệu quả để tạo thu nhập, kích cầu tiêu dùng xã hội. Các chính sách hỗ trợ tín dụng tiêu dùng cần được phát huy; đẩy mạnh chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở hay bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, việc giải ngân đầu tư công tốt sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới đầu tư khu vực ngoài Nhà nước. Cần phải xử lý các điểm nghẽn của doanh nghiệp thì đầu tư ngoài Nhà nước vào sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc; đồng thời thu hút và giải ngân hiệu quả vốn đầu tư FDI để hỗ trợ thêm cho tăng trưởng. Hiện nay, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam diễn biến khó lường. Việt Nam cần nắm bắt để điều chỉnh chính sách hỗ trợ xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, bảo đảm tiêu chuẩn để tránh bị đánh thuế, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tối đa.
Ý kiến của chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long:
Linh hoạt trong điều hành chính sách Tiêu dùng trong nước của Việt Nam hiện nay còn yếu, nên động lực cho tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu và khu vực đầu tư tư nhân. Việc thúc đẩy đầu tư công sẽ có tác động lan tỏa lớn, nền kinh tế sẽ được kích thích, tiêu dùng gia tăng, qua đó tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như người dân. Chính sách tiền tệ nới lỏng và kích thích tài khóa mạnh mẽ giúp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, đi kèm là áp lực giá cả leo thang. Bài toán cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam càng trở nên cấp bách, đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách để tránh rủi ro, tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô.