Mặc dù, ngành chăn nuôi phải đối diện với không ít khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng đàn gia cầm của tỉnh vẫn phát triển ổn định, tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 9/2024, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hơn 5,3 triệu con, vượt 2,8% kế hoạch năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn gia cầm của tỉnh thời gian qua tăng về số lượng là do các hộ đã tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại, gia trại tập trung ngày càng được nhân rộng. Chăn nuôi gia cầm phát triển góp phần bù đắp thiếu hụt sản lượng thịt lợn trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến tổng đàn lợn suy giảm.
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Tú ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) trong 3 năm qua luôn duy trì đàn hơn 20 nghìn con. Có được sự ổn định như hiện nay, gia đình anh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh thú y, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn gà. Theo anh Tú, đối với chăn nuôi gia cầm, khi nắm vững kỹ thuật và biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ ít rủi ro hơn so với các vật nuôi khác.
Là địa bàn trọng điểm chăn nuôi của huyện Bảo Thắng, xã Xuân Quang hiện có 35 trang trại và gần 1.800 hộ nuôi quy mô gia trại, tổng đàn gà hơn 420 nghìn con. Để chăn nuôi hiệu quả, xã tuyên truyền, vận động các thôn thành lập tổ, nhóm chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch vào đàn, xuất bán theo từng tháng, tránh tình trạng xuất bán tập trung vào cùng 1 thời điểm với số lượng lớn khiến dư nguồn cung, khó tiêu thụ, ảnh hưởng đến giá bán… Việc chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung sẽ giúp chủ động phòng, chống dịch bệnh, do vậy đàn gia cầm được duy trì và phát triển ổn định.
Huyện Bảo Thắng hiện có tổng đàn gà hơn 2 triệu con (chiếm 40% tổng đàn toàn tỉnh), 185 trang trại (tăng 68 trang trại so với cùng kỳ năm 2023) và khoảng 10.600 hộ chăn nuôi. Trên thực tế, từ năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn suy giảm nhanh. Sau dịch, giá con giống tăng nên nhiều hộ chăn nuôi không thể phát triển đàn lợn trở lại. Do vậy, người dân chuyển sang chăn nuôi gia cầm tại chuồng trại trước đây nuôi lợn, dẫn đến tổng đàn gia cầm tăng nhanh. Trên địa bàn huyện có 1 cơ sở sản xuất giống gia cầm cung cấp hơn 70 nghìn con giống/năm.
Chăn nuôi trang trại quy mô tập trung chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, có đầu tư về chuồng trại, thiết bị chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Toàn tỉnh có hơn 150 trang trại chăn nuôi gia cầm, 2 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết quy mô chăn nuôi thường xuyên đạt 10.000 - 20.000 con.
Các hộ chăn nuôi gia cầm đã chủ động áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường (hiện có 4.094 hộ chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, chiếm 85% số hộ chăn nuôi); tỷ lệ tiêm vắc-xin cúm gia cầm đạt 98%. Hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 5,3 triệu con, bằng 102,8% kế hoạch năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 58.100 tấn, bằng 78,51% kế hoạch năm (74.000 tấn), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi gia cầm được đẩy mạnh trong thời gian qua do yêu cầu vốn đầu tư thấp hơn so với các vật nuôi khác và phù hợp với điều kiện của nhiều hộ. Bên cạnh đó, giá bán thịt hơi xuất chuồng và các sản phẩm gia cầm tương đối ổn định nên người dân tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm...
Để chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, bền vững, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, nhất là áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng, chống tốt các loại dịch bệnh nhằm bảo đảm mang lại thu nhập cao.