Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam (Bộ NN&PTNT) vừa thông tin về một số nông sản, thực phẩm của Việt Nam, bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Văn phòng SPS Việt Nam có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cùng các Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Cà phê - Ca cao Việt Nam, Nước mắm truyền thống Việt Nam, Điều Việt Nam về cảnh báo và thu hồi những sản phẩm vi phạm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm xuất khẩu.
![Một số nông sản, thực phẩm của Việt Nam, bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu vào EU - Ảnh minh họa. Một số nông sản, thực phẩm của Việt Nam, bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu vào EU - Ảnh minh họa.](https://cdn.baolaocai.vn/images/5a32ad5898a81181d8c766500dea6158475821ed3a6b6a4a1ecd613992fd3bc74c1f1cc3799f49309cc5e762490d612a0466805d28fa8f9470613da97e74d6a11183adc067c3cedb15526e3e974386e0/lam-san-2552-172439181417177638721.jpg)
Một số nông sản, thực phẩm của Việt Nam, bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu vào EU - Ảnh minh họa.
4 nguyên nhân được EU cảnh báo là do doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ "thực phẩm mới" tại thị trường EU; doanh nghiệp khai báo các nguyên liệu trong sản phẩm không đúng với hồ sơ, đặc biệt là nguyên liệu dễ gây dị ứng.
Ngoài ra, sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm trái phép hoặc vượt mức quy định; doanh nghiệp không khai báo hoặc thực hiện việc kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với "sản phẩm hỗn hợp" có thành phần nguyên liệu từ động vật.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, đây là trường hợp hết sức đáng tiếc. “Hầu hết các nông sản thực phẩm của Việt Nam đều đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên rất tiếc, đối với một số ngành hàng đang phát triển nóng hoặc một số vùng trồng, một số doanh nghiệp chưa chuẩn hoá được quy trình sản xuất, chưa tuân thủ nghiêm các quy định của thị trường sẽ dẫn đến vi phạm. Đây là sự việc đáng tiếc trước hết ảnh hưởng đến doanh nghiệp, các cơ sở chế biến, ảnh hưởng đến cả ngành hàng và uy tín của nông sản Việt”, ông Nam nói.
Năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Để tránh tình trạng lặp lại, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu, tránh rủi ro không đáng có.