Nông dân hối hả thu hoạch lúa xuân

Mặc dù thời tiết nắng nóng cao điểm nhưng trên những cánh đồng, nông dân các địa phương vẫn hối hả thu hoạch lúa xuân, xử lý rơm rạ để chuẩn bị vụ mùa mới.

Luaxuan2.JPG
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn trên cánh đồng xã Võ Lao.

Trên cánh đồng xã Võ Lao, huyện Văn Bàn những ngày này, không khí ngày mùa trở nên hối hả, nhộn nhịp. Nắng nóng, lúa khô là điều kiện lý tưởng để người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho kịp thời. Tiếng máy gặt đập liên hoàn, tiếng máy đập lúa, tiếng cười nói rộn ràng… khắp cánh đồng. Những bông lúa chín vàng trĩu hạt là minh chứng cho một vụ xuân được mùa.

Luaxuan5.JPG
Thời tiết thuận lợi, lúa chiêm xuân năm nay được mùa.

Những năm gần đây, người dân xã Võ Lao tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, đặc biệt là khâu thu hoạch giúp giảm sức lao động và thời gian thu hoạch. Anh Hà Khương Duy, thôn Chiềng 3, xã Võ Lao cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường mất một ngày mới thu hoạch xong hơn 3 sào ruộng nhưng nay có máy gặt đập liên hoàn nên chỉ cần khoảng 20 phút là có thể chở thóc về nhà. Giá thuê máy gặt đập liên hoàn là 30 nghìn đồng/bao thóc (60 kg). Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, lúa được mùa, gia đình tôi thu được gần 1 tấn thóc.

Luaxuan1.jpg
Người dân xã Võ Lao thu hoạch và chở thóc về nhà.

Cũng canh tác trên cánh đồng xã Võ Lao, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuyển, thôn Chiềng 1, vừa thuê máy gặt đập liên hợp vừa phải gặt thủ công vì có một số chân ruộng thấp, nền đất yếu không đảm bảo cho máy chạy. Ông Tuyển cho biết: Gặt bằng máy vừa nhanh, vừa tiết kiệm nhưng có một số thửa vẫn phải gặt tay. Sau khi thu hoạch và chở thóc về nhà, chúng tôi tranh thủ thời tiết nắng để xử lý rơm rạ, đốt lấy tro để gieo mạ cho vụ lúa mùa. Đa số người dân ở đây thu hoạch lúa về để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

luaxuan4.JPG
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuyển tranh thủ xử lý rơm, rạ để chuẩn bị sản xuất lúa mùa.

Theo những người dân ở xã Võ Lao, việc ứng dụng cơ giới hóa hiệu quả giúp khâu thu hoạch lúa trở nên tiết kiệm, nhanh chóng hơn. Với tiến độ hiện tại, cả cánh đồng lúa rộng gần 500 ha của xã Võ Lao có thể thu hoạch xong trong khoảng 1 tuần. Sau đó, nông dân lại bắt tay ngay vào khâu làm đất, gieo mạ để sản xuất vụ lúa mùa.

Luaxuan3.jpg
Nông dân xã Bản Qua, huyện Bát Xát hối hả thu hoạch lúa xuân.

Tương tự, tại các cánh đồng thuộc xã Bản Qua, huyện Bát Xát, nông dân cũng đang tích cực thu hoạch lúa chiêm xuân. Nông dân ở đây cũng vừa sử dụng máy gặp đập liên hoàn, vừa gặt thủ công, tùy vào điều kiện của các chân ruộng.

Chị Lò Thị Minh, thôn Coóc Cái cho biết: Vụ này gia đình gieo 11 cân giống, thu hoạch được 15 bao thóc (60 kg/bao). Việc thu hoạch thuận lợi vì có máy gặt đập liên hoàn. Chi phí thuê máy cũng tiết kiệm hơn so với gặt thủ công. Sau khi gặt xong, chúng thôi thu rơm rạ về cho gia súc, một phần đốt làm tro để chuẩn bị gieo mạ. Chúng tôi để đất nghỉ khoảng 20 ngày sau đó bắt đầu sản xuất vụ lúa mùa.

luaxuan6.jpg
Lúa chiêm xuân ở các địa phương đang chín vàng.

Không chỉ nông dân xã Võ Lao, xã Bản Qua mà nông dân các địa phương vùng thấp hiện đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân trà sớm. Trong khi đó, lúa xuân trà chính vụ đang ở trong giai đoạn chắc xanh, chín đỏ đuôi. Lúa trà muộn đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông.

Vụ chiêm xuân, nông dân toàn tỉnh gieo cấy đạt 9.871 ha lúa (thành phố Lào Cai 489 ha, Bát Xát 1.006 ha, Mường Khương 424 ha, Bảo Thắng 1.563 ha, Văn Bàn 3.350 ha, Bảo Yên 2.595 ha, Bắc Hà 444 ha). Cơ quan chức năng khuyến cáo, nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thu hoạch lúa xuân; tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo. Cần điều tiết nước, giữ nước tại ruộng; chuẩn bị máy móc, các loại vật tư nông nghiệp, giống, phân bón để triển khai sản xuất vụ hè thu đúng lịch thời vụ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Quan tâm dự trữ thức ăn cho gia súc

Quan tâm dự trữ thức ăn cho gia súc

Mùa đông, thời tiết rét đậm, rét hại, đây cũng là thời điểm nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc khan hiếm. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ nguồn thức ăn khô, thức ăn tinh cho gia súc trong mùa đông.

Vật nuôi của nhà nghèo

Vật nuôi của nhà nghèo

Xuân Thượng được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi dê của huyện Bảo Yên với hơn 500 hộ chăn nuôi. Các hộ dân ở đây thường gọi con dê là vật nuôi của nhà nghèo vì chúng không kén thức ăn, có thể ăn tất cả các lá cây quanh đó, thậm chí ăn được lá ngón. Nuôi dê nhàn lại cho nguồn thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân lựa chọn con dê để phát triển kinh tế thay vì lợn hay một số vật nuôi nhiều rủi ro khác.

[Ảnh] Cánh đồng "đá" ở Trịnh Tường

[Ảnh] Cánh đồng "đá" ở Trịnh Tường

Sau trận mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) gây ra, cánh đồng lớn nhất của xã Trịnh Tường trong thung lũng Nà Lặc (huyện Bát Xát) với diện tích trên 50 ha bị san phẳng và phủ lên một lớp đá dày hàng mét. Khả năng canh tác lại gần như không thể, điều này đang khiến hàng trăm hộ dân lo lắng về sinh kế trong thời gian tới đây.

fbytzltw