Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát sinh, gây bệnh cho vật nuôi. Trước những nguy cơ đó, người dân xã Bảo Thắng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.

Xã Bảo Thắng hiện có hơn 1.500 hộ chăn nuôi, 80 trang trại quy mô vừa và nhỏ, với tổng đàn gia súc hơn 15.700 con, đàn gia cầm trên 305.000 con. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nhất là vào thời điểm giao mùa.

2.png

Thời điểm này, gia đình ông Lương Văn Tộ, thôn Cánh Địa đang tập trung chăm sóc đàn lợn hơn 100 con chuẩn bị xuất chuồng. Với gần 20 năm chăn nuôi, ông Tộ hiểu rất rõ đặc điểm sức khỏe đàn vật nuôi mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

“Thời tiết ẩm, mưa, nắng thất thường rất dễ khiến lợn bị tiêu chảy, viêm phổi hay mắc bệnh hô hấp. Gia đình tôi luôn chủ động tiêm phòng vắc xin đầy đủ, định kỳ sát trùng chuồng trại, bổ sung men tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Đặc biệt là không để người lạ ra vào khu vực chăn nuôi, tránh mang mầm bệnh từ bên ngoài vào”, ông Tộ chia sẻ.

Không chỉ ông Tộ, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Bảo Thắng cũng đã chủ động hơn trong việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Chuồng trại được làm cao ráo, thoáng khí, có ngăn cách với bên ngoài, có hệ thống xử lý chất thải, rác thải hợp lý. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi.

Ông Trần Xuân Hán, hộ chăn nuôi gà ở thôn Cánh Địa cho biết: “Thời tiết này, nếu không vệ sinh chuồng trại thường xuyên, gà rất dễ bị hen, tiêu chảy. Tôi phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi 1 lần/tuần, bổ sung thêm vitamin C, men vi sinh và theo dõi sức khỏe đàn gà mỗi ngày, nếu thấy con nào có biểu hiện khác là tách riêng để chăm sóc”.

3.png

Theo cán bộ thú y, mùa hè là thời điểm phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm trên vật nuôi do điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Trên đàn gia súc, phổ biến là các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm phổi truyền nhiễm. Đàn lợn còn có thể gặp dịch tả lợn châu Phi, tả cổ điển, tai xanh, phó thương hàn. Đàn gia cầm thường mắc bệnh Newcastle, Gumboro, cúm gia cầm và tiêu chảy do vi khuẩn. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, các loại bệnh này có thể gây thiệt hại lớn, nguy cơ lan rộng thành dịch.

Là địa bàn có tổng đàn vật nuôi lớn, công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống dịch bệnh tại xã Bảo Thắng luôn được các cấp chính quyền và ngành chuyên môn đặc biệt quan tâm.

4.png

Bà Trần Thị Hồng, cán bộ Trạm Thú y khu vực Bảo Thắng cho biết: Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm, Trạm Thú y đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng và phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn các xã. Ngoài ra, định kỳ tổ chức các đợt phun khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi tập trung, các chợ buôn bán thịt gia súc, gia cầm. Đơn vị cũng phối hợp với các thôn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hiện nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh đã có nhiều thay đổi, các hộ chủ động đăng ký tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý dịch bệnh. Trên địa bàn xã Bảo Thắng cũng xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi an toàn sinh học, vừa giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, vừa nâng cao thu nhập.

Anh Phạm Nguyễn Ngọc, thôn An Trà, chủ trang trại nuôi hơn 10.000 con gia cầm mỗi lứa cho biết: “Tôi đang dần chuyển sang nuôi theo hướng an toàn sinh học, dùng men vi sinh xử lý chất thải, đệm lót sinh học và kiểm soát nguồn nước uống. Đi theo hướng này tuy vất vả hơn nhưng hiệu quả thấy rõ là vật nuôi khỏe mạnh hơn, tỷ lệ mắc bệnh giảm hẳn”.

5.png

Tuy nhiên, theo một số hộ chăn nuôi, khó khăn lớn hiện nay vẫn là giá cả vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc thú y) vẫn ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm chưa ổn định khiến lợi nhuận giảm. Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi khép kín đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không phải hộ nào cũng đủ điều kiện tiếp cận.

Thời tiết giao mùa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, song với sự chủ động của người chăn nuôi và sự đồng hành của ngành chức năng đang góp phần hiệu quả cho bảo vệ đàn vật nuôi ở xã Bảo Thắng. Đây không chỉ là cơ sở để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, mà còn là bước đi quan trọng cho xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa gắn với nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập).

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ bắt buộc pha 10% ethanol, chính thức chuyển sang sử dụng xăng E10. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

fb yt zl tw