
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định bắt buộc tất cả các hộ kinh doanh phải đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử riêng biệt cho hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những nội dung mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội góp ý vào hồ sơ chính sách dự án Luật Quản lý thuế.
Quy định này kỳ vọng sẽ giúp minh bạch dòng tiền, đồng thời thuận lợi hơn cho công tác quản lý thuế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng chuyển mình với sự phát triển của công nghệ số và thanh toán điện tử.
Thanh toán điện tử thành xu hướng trong nền kinh tế tư nhân
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội) cho rằng: “Việc sử dụng tài khoản ngân hàng và thanh toán điện tử trong kinh doanh hiện nay đã trở nên rất phổ biến, ngay cả khi chưa có quy định bắt buộc. Nhiều hộ kinh doanh cá nhân hiện đã có tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để phục vụ việc giao dịch trong hoạt động kinh doanh của mình”.
Ông cho rằng, xu hướng này đang ngày càng trở nên tất yếu trong bối cảnh phát triển của công nghệ tài chính và việc bắt buộc hộ kinh doanh mở tài khoản ngân hàng hay sử dụng giao dịch điện tử là một bước đi cần thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và thuế.

Còn Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cũng thừa nhận, mục tiêu chính của chính sách yêu cầu hộ kinh doanh mở tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch điện tử là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Cụ thể, chính sách này giúp tạo ra một hệ thống kinh tế minh bạch hơn. Qua đó, hỗ trợ công tác quản lý thuế, giảm thiểu tình trạng gian lận và trốn thuế, giúp tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước.
“Đề xuất của Hà Nội sẽ thúc đẩy các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào nền kinh tế số, từ đó nâng cao khả năng áp dụng công nghệ vào các hoạt động như quản lý bán hàng và phân phối sản phẩm. Việc bắt buộc mở tài khoản ngân hàng cũng giúp họ gia tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ như chuyển tiền nhanh, thanh toán qua cổng thanh toán trực tuyến, giúp mở rộng quy mô kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh”, Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Văn Sơn nói.
Cần cân nhắc phù hợp thực tiễn
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra rằng, đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có phần “cứng nhắc hơn” so với quy định chung của Bộ Tài chính.
Theo quy định hiện hành, chỉ những hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ trở lên mới bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ hơn, với doanh thu thấp hơn, không bị ràng buộc bởi quy định này.
Trong khi đó, đề xuất của Hà Nội yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh, không phân biệt quy mô hay doanh thu, phải đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện giao dịch điện tử.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Đây là một sự khác biệt đáng chú ý và có thể tạo ra những thách thức nhất định đối với các hộ kinh doanh nhỏ. Việc có những quy định cao hơn mức chung của cả nước là điều có thể hiểu được. Về mặt pháp lý, Hà Nội có quyền áp dụng những quy định đặc thù phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo Luật Thủ đô".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, chính sách cần phải được áp dụng linh hoạt và có sự cân nhắc kỹ lưỡng để không gây khó khăn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Mặc dù thừa nhận những lợi ích tiềm năng từ việc áp dụng quy định này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng bày tỏ sự lo ngại về tính thực tiễn: "Việc bắt buộc tất cả các hộ kinh doanh, kể cả những người bán hàng nhỏ lẻ như người bán nước hay bán xôi..., phải đăng ký tài khoản ngân hàng là không thực tế và không cần thiết".
Tiến sĩ Minh Phong đề xuất, thay vì Hà Nội áp dụng quy định bắt buộc cho tất cả các hộ kinh doanh, có thể hạ mức trần doanh thu bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng xuống thấp hơn quy định chung của Bộ Tài chính. Việc này sẽ giúp đảm bảo tính khả thi và công bằng, đồng thời tránh tạo ra quá nhiều áp lực cho những hộ kinh doanh có quy mô nhỏ và không đủ điều kiện sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Mặc dù việc yêu cầu hộ kinh doanh đăng ký tài khoản ngân hàng và giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích về minh bạch tài chính và thuận lợi trong công tác quản lý thuế, nhưng cũng cần phải xem xét cẩn thận tính thực tiễn và khả năng áp dụng của quy định này đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là một chính sách cần có sự cân nhắc kỹ càng, nhằm đạt được mục tiêu quản lý thuế hiệu quả mà không gây thêm gánh nặng cho các hộ kinh doanh chưa đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng.