Từ năm 2022 đến năm 2025, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai đề tài “Nghiên cứu, tuyển chọn các giống lúa chất lượng gạo ngon theo hướng thảo dược tại tỉnh Lào Cai”. Đây là đề tài có ý nghĩa lớn trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang hướng tới phát triển xanh, an toàn và nâng cao giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.

LC26 là giống lúa thuần được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính và chọn lọc làm thuần theo phương pháp phả hệ. Giống có khả năng gieo cấy được cả hai vụ trong năm. Năng suất của LC26 được đánh giá cao: vụ xuân đạt 65-84 tạ/ha, vụ mùa đạt 62-66 tạ/ha. Trong các đợt khảo nghiệm tại Trại giống Bát Xát và trong chương trình khảo nghiệm VCU của Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia tại nhiều vùng sinh thái trong và ngoài tỉnh, LC26 luôn đạt năng suất vượt trội so với giống đối chứng.
Gia đình ông Cổ Văn Vệ ở thôn Nậm Cằn, xã Nghĩa Đô là một trong những hộ dân tham gia trồng thử nghiệm giống lúa mới LC26. Theo ông Vệ, giống LC26 sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Khi thu hoạch, lúa cho năng suất khá cao, gạo có màu hồng nhạt, mùi thơm, khi nấu thì cơm dẻo. Được biết đây là giống lúa thảo dược nên ông Vệ mong muốn có thể mở rộng diện tích, phát triển kinh tế từ cây trồng này.

Theo bà Hà Thúy Hằng - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai, sau khi nghiên cứu thành công giống lúa thuần thảo dược mới, đơn vị đã thực hiện nhiều đợt đánh giá chất lượng sản phẩm. Phân tích thành phần dinh dưỡng do Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện năm 2023 cho thấy gạo LC26 có thành phần dinh dưỡng vượt trội hơn nhiều so với các loại gạo trắng thông thường, trong đó có nhiều chất, vi chất tốt cho sức khỏe.
Cũng theo bà Hằng, hiện nay, nhiều người có xu hướng cắt giảm lượng cơm trong khẩu phần ăn hằng ngày. Với gạo LC26, hàm lượng amylose dao động từ 13,63% đến 14,05% chất khô, giúp cơm chín có độ dẻo vừa phải, không quá dính và có chỉ số đường huyết trung bình thấp - phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc cao huyết áp.
Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, gạo LC26 không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nơi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm gạo chức năng và gạo giàu dinh dưỡng.

Việc chọn tạo thành công giống lúa LC26 không chỉ đánh dấu bước tiến trong lĩnh vực nghiên cứu giống cây trồng mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững cho nông dân miền núi phía Bắc. So với các giống lúa truyền thống, sản xuất giống LC26 cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 35% đến 40% do năng suất cao, ít sâu bệnh, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giá bán gạo cao hơn nhờ giá trị dinh dưỡng vượt trội.
Ngày 17/12/2024, giống LC26 đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp quyết định công nhận lưu hành tại vùng trung du và miền núi phía Bắc theo Quyết định số 608/QĐ-TT-CLT. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương chủ động đưa LC26 vào cơ cấu giống, nhân rộng mô hình sản xuất và tiến tới phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Với những ưu điểm vượt trội cả về năng suất, khả năng chống chịu và giá trị dinh dưỡng, LC26 là minh chứng rõ nét cho hướng đi đổi mới trong nghiên cứu giống cây trồng - kết hợp giữa khoa học - kỹ thuật với yêu cầu thực tiễn của thị trường. Việc phát triển thành công giống lúa LC26 không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là bước tiến trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua lựa chọn thực phẩm lành mạnh, giàu giá trị sinh học. Giống lúa mới được kỳ vọng trở thành một trong những giống lúa chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững ở Lào Cai trong thời gian tới.
Trình bày: Khánh Ly