
Địa hình các xã ở khu vực Mù Cang Chải thường có độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất chủ yếu là trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, thiếu diện tích mặt nước để phát triển ngư nghiệp. Bởi vậy, đồng bào nơi đây đã tận dụng địa hình ruộng bậc thang để vừa trồng lúa, vừa nuôi cá chép. Từ mục đích ban đầu là tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cho các gia đình ở vùng cao, mô hình nuôi cá chép ruộng hiện nay đã phát triển thành hàng hóa.
Anh Lý A Sở ở thôn Háng Bla Ha B, xã Khao Mang có 6.000 m2 ruộng đều được canh tác theo mô hình cá lúa cộng sinh. Cá nuôi trong ruộng phải là loài giống cá chép bản địa, vừa thích nghi tốt với thời tiết vùng cao, vừa không hại làm lúa mà thậm chí còn hỗ trợ lúa phát triển.
Cá chép sẽ ăn rong rêu, sâu bọ hại lúa và hạt phấn lúa để phát triển; đồng thời sục bùn, thải phân làm tốt lúa. Vì vậy, trong suốt quá trình canh tác, anh Sở tuyệt đối không sử dụng các chất hoá học hoặc các chất gây hại khác để cá có môi trường sinh trưởng và phát triển.
Anh Sở chia sẻ: “Cứ ruộng nào nuôi thêm cá chép ruộng thì ruộng đó khẳng định là lúa sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật hay hoá chất gì đâu. Bởi thế, chúng tôi đã kết hợp nuôi cá với trồng lúa Séng cù theo hướng hàng hoá, hữu cơ vào mỗi vụ mùa. Cá khoẻ, lúa sạch, năng suất tốt, đạt 40-45 tạ/ha, lại cùng một lúc được bán cả cá và lúa”.

kịp thời xử lý.
Theo anh Sở, sau khi thả cá, tuy không phải chăm sóc nhiều, nhưng cần lưu ý tháo nước vào ruộng đảm bảo duy trì ở mức khoảng 20 cm để cây lúa và cá cùng sinh trưởng; đắp bờ ruộng cao hơn bình thường để tránh cá bị trôi xuống các ruộng phía dưới khi trời mưa; thường xuyên thăm đồng để kiểm tra một số loại bọ nước cắn cá để có thể kịp thời xử lý.
Trung bình sau mỗi vụ mùa, anh Sở thu về 26 tạ thóc, khoảng 300 kg cá chép. Với giá bán 14.000 đồng/kg thóc, 120 nghìn đồng/kg cá, anh Sở thu nhập 72 triệu đồng - một thu nhập khá lớn với người dân nơi đây.
Hiệu quả cộng sinh và giá trị kinh tế từ cách canh tác cá - lúa đã được khẳng định, bởi vậy, vào vụ mùa, những thửa ruộng bậc thang đủ nước đều được người dân nuôi thêm cá chép ruộng, vừa cải thiện bữa ăn gia đình, vừa tăng thêm thu nhập. Một số hộ dân còn chủ động tạo nguồn cá giống để bán cho các hộ có nhu cầu.
Anh Hờ A Câu ở thôn Trống Tông, xã Mù Cang Chải chia sẻ: “Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm, tôi sẽ tạo một bể nước nhỏ ở đầu nguồn nước, gần ruộng rồi chuyển cá giống bố mẹ vào, thả thêm những bó cỏ khô hoặc cây thủy sinh để cá đẻ. Cá giống 10 ngày tuổi thì sẽ thả vào ruộng, nuôi thêm khoảng 1 tháng nữa sẽ được bán giống với giá 1 nghìn đồng/con. Vụ năm nay, tôi đã bán được 5 triệu tiền cá giống, còn hơn 800 con thì để nuôi thương phẩm”.

Cá chép sau khi nuôi trên ruộng bậc thang có thời gian sinh trưởng 3 tháng. Trước khi thu hoạch lúa khoảng 15 ngày, người dân nơi đây sẽ tháo cạn nước bắt cá vừa giúp cây lúa tập trung dưỡng chất và chín đều; đồng thời, cho nền ruộng được khô ráo để việc thu hoạch thuận lợi.
Đặc biệt, thời điểm thu hoạch cá chép ruộng trùng với mùa du lịch lúa chín đã góp phần đưa món ăn dân dã của đồng bào trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng.
“Cá ruộng chỉ nặng 1,5 - 2 lạng thôi nhưng khi rán giòn thì thịt ngọt, béo và săn chắc. Thế nên, vào mùa thu hoạch cá thì chưa kịp mang ra đến chợ đã có người mua hết rồi. Người dân, khách du lịch, nhà hàng đều thích cá này lắm!”.
Sau 2 tháng nữa, người dân nơi đây sẽ được thu hoạch cả lúa, cả cá. Trung bình mỗi ha lúa canh tác theo cách cá lúa cộng sinh sẽ cho thu nhập tăng thêm khoảng 60 triệu đồng/ha.
Rõ ràng, phương thức canh tác "cá - lúa cộng sinh" được ảnh Sử, anh Câu hay những người dân ở miền non cao tỉnh Lào Cai ứng dụng đang hướng đến nền nông nghiệp mang đậm tư duy truyền thống gắn với bảo vệ môi trường lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu cần được bảo tồn, phát huy và nhân rộng.