Mô hình trồng cây na được triển khai tại xã Làng Giàng từ năm 2018, với diện tích 6 ha (3.000 cây na giống), 15 hộ dân tại thôn An tham gia. Đến năm 2020, cây na bắt đầu cho thu hoạch quả; năm 2021 sản lượng quả na tăng dần, nhiều hộ có thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm.
Thế nhưng, từ năm 2022 đến nay, diện tích cây na chết rải rác, khiến người dân không khỏi xót xa.
Gia đình bà Hoàng Thị Đức là một trong những hộ trồng na nhiều nhất thôn với 110 cây. Tuy nhiên, đến nay hơn một nửa trong số đó đã bị chết, phải chặt bỏ. Những cây còn lại đang trong tình trạng cành bắt đầu khô héo, tỷ lệ ra hoa kém.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, bà Đức buồn rầu nói: Mọi năm, vào thời điểm này, cây na bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và ra hoa, nhưng năm nay, nhiều cây bị chết khô khiến gia đình bất an.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị La Thị Lình cũng đang rất buồn bởi tốn biết bao công sức, tiền của trồng, chăm sóc gần 5 năm qua, hơn 80% diện tích cây na bỗng dưng “chết đứng”.
Năm 2018, gia đình chị Lình được hỗ trợ 70 cây na giống, sau đó, chị mua thêm 20 cây để trồng dặm. Khi trồng na, chị áp dụng kỹ thuật theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông trong các khâu chăm sóc, bón phân, phòng sâu bệnh. Nhờ đó, vụ “na bói” gia đình đã thu được trên 30 kg quả, hơn nữa quả to, đều và đảm bảo chất lượng theo mô hình đề ra. Đang khấp khởi mừng vì những năm sau cây na sẽ cho sản lượng cao hơn thì từ năm 2022, diện tích na của gia đình chị lác đác xuất hiện cây có dấu hiệu khô cành, thối rễ, sau đó chết. Đến nay, toàn vườn chỉ còn gần 20 cây đang “sống dở, chết dở”.
Chị La Thị Lình cho biết: Lúc đầu, chỉ lác đác một số cây na bị bệnh, nhưng đến vụ này thì cây chết nhiều hơn. Khi thấy cây na chết bất thường, gia đình đã nhờ cán bộ khuyến nông xã kiểm tra, nhưng vẫn không biết rõ nguyên nhân.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Làng Giàng cho biết: Hầu hết diện tích cây na đều xuất hiện cây khô rải rác (khoảng 30% diện tích), cá biệt có hai hộ, số cây chết khô chiếm đến 80% diện tích.
Toàn xã Làng Giàng có 6 ha cây na trồng tại thôn An. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hỗ trợ. Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ dân đã được tham gia lớp đào tạo nghề trồng na và được cấp chứng chỉ. Hằng năm, các hộ được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành, tạo tán, thụ phấn hoa.
Tuy nhiên, 2 năm nay, diện tích cây na tại địa phương đang có hiện tượng chết rải rác với các biểu hiện, như: trên thân cây có nhiều cành héo không đâm chồi non; một số ít cành còn tươi vẫn ra lộc nhưng ra hoa ít; phần gốc cây sát mặt đất, vỏ bị thâm đen và khô, khi đào gốc lên quan sát thấy rễ bị thâm đen, vỏ rễ bị thối.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng na chết nhiều ở xã Làng Giàng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn đã đến kiểm tra và rà soát số diện tích na nhiễm bệnh, đồng thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng xử lý.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác đến kiểm tra, thu thập mẫu đất, mẫu cây bị bệnh để gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc phân tích, giám định. Khi có kết quả sẽ đưa ra phương pháp phòng, trừ bệnh cho cây.
Cây na tuy mới đưa vào trồng tại xã Làng Giàng nhưng bước đầu đã cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năm thứ 3 cây đã cho quả, năm thứ 4 sản lượng quả đạt cao và đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng diện tích, vậy mà giờ đây, cây bỗng dưng chết dần chết mòn khiến các hộ không khỏi xót xa. Người dân đang rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác định rõ nguồn bệnh, tìm loại thuốc phù hợp, hỗ trợ phòng và điều trị bệnh cho cây na.
Tuy nhiên, trước khi tìm ra chính xác loại bệnh khiến cây na bị chết, huyện Văn Bàn nhận thấy, cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, nhất là khả năng nhận biết dấu hiệu bệnh trên cây trồng để chủ động hơn trong công tác phòng, chống.