Nhà sàn là biểu tượng văn hoá đặc trưng, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay. Nếp nhà sàn trong đời sống tinh thần của người Tày không đơn thuần là nơi ăn, nghỉ mà còn chứa đựng nhiều tín ngưỡng đặc sắc. Nhiều năm trở lại đây, đi thăm các thôn, bản người Tày, những nếp nhà sàn truyền thống đang thưa dần.

Xã Võ Lao (Văn Bàn) có gần 90% là đồng bào dân tộc Tày, bên cạnh những nếp nhà sàn cũ thì số nhà sàn được dựng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã bị hiện đại hoá. Ông Nguyễn Quyết Tiến, Bí thư Đảng uỷ xã Võ Lao cho biết: Hiện nay, nhà sàn được dựng mới rất ít, thay vào đó là nhà xây với kiểu dáng hiện đại. Toàn xã Võ Lao hiện giờ chỉ còn giữ lại được khoảng 30% số nhà sàn truyền thống được dựng cách đây vài chục năm, số nhà sàn được xây dựng mới trong vòng chục năm trở lại đây chủ yếu là nhà ống, nhà hộp, nhà sàn dựng mới cũng khác xưa.
Nhà sàn truyền thống xưa thường được dựng 3 gian, 2 chái, mỗi mái nhà như vậy cần tới 3.000 - 3.500 lá cọ, trên 20 cột gỗ, hàng trăm tấm ván gỗ để ghép vách, sàn nhà bằng vầu. Nhà sàn hiện đại tuy vẫn giữ được những cấu trúc vốn có của nếp nhà truyền thống về mặt hình dáng nhưng nguyên, vật liệu đã được thay thế bằng cột bê tông, mái proximăng, tường xây, sàn lát gạch.
Ông Tiến cho biết thêm, từ năm 2009 tới nay, cả xã Võ Lao duy nhất gia đình ông là dựng nhà sàn bằng cột gỗ, sàn bằng vầu và gần như ông là người cuối cùng trong xã có ý định và đã dựng nhà sàn, số nhà sàn dựng mới còn lại đã bê tông hoá, không giữ được những nét căn bản của văn hóa nhà sàn truyền thống.
Tại xã Hoà Mạc (Văn Bàn), tuy số nhà sàn truyền thống của xã còn khoảng 80% nhưng phần lớn số nhà này đã có tuổi thọ hàng chục năm mà ít khi được quan tâm sửa chữa, nhiều nhà đã trong tình trạng xuống cấp.
Nhiều người dân vẫn còn "mặn mà" với nếp nhà sàn của dân tộc mình nhưng "lực bất tòng tâm" bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là kinh phí để xây dựng nhà sàn truyền thống khá cao, gấp khoảng 2 lần so với xây một căn nhà thường cùng diện tích. Chỉ tính riêng tiền thuê công thợ để dựng nhà sàn đã mất hàng chục triệu đồng, tổng chi phí xây nhà sàn truyền thống trung bình trên 200 triệu đồng/căn nhà mà khả năng kinh tế của người dân lại eo hẹp nên chọn nhà xây đơn giản là phù hợp hơn cả. Mặt khác, nguồn nguyên liệu làm nhà sàn ngày càng khan hiếm. Theo một cụ cao niên của xã Hoà Mạc, gỗ dựng nhà sàn phải từ 15 tuổi trở lên mới đảm bảo chất lượng, người làm nhà phải chọn lựa hàng nghìn tàu cọ, vầu đập dập phơi thật khô, mất cả năm ròng chuẩn bị nguyên liệu. Thêm vào đó, điều đáng lo ngại là tại một số thôn, bản người Tày xuất hiện tình trạng thương lái hỏi mua những cột gỗ lâu năm trong các nhà sàn truyền thống, nhiều người dân vì cái lợi trước mắt nên không ít người đã tháo dỡ để bán.
Nhà sàn truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, mất dần vị trí mà nguyên nhân đến từ nhiều phía. Bảo tồn và phát huy nếp nhà sàn không chỉ là lưu giữ lại những giá trị văn hoá tốt đẹp cho thế hệ kế tiếp mà còn góp phần không nhỏ tạo nên sắc màu văn hoá riêng biệt cho du lịch của tỉnh. Nhiệm vụ này không chỉ của các cơ quan chức năng, chính quyền mà cần cả người dân đồng lòng thực hiện./.