LCĐT - Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đang đến gần, đây là thời điểm “vàng” để tăng doanh thu thì nỗi lo thiếu nước khiến cho nhiều đơn vị du lịch phải chấp nhận hủy lịch đặt phòng của khách để giữ hình ảnh.
Không nhận khách vì thiếu nước
Những chuyến xe chở nước đầy téc, can và thậm chí là hộp xốp để chứa nước sạch từ các vùng lân cận của Sa Pa vào thị trấn đang là hình ảnh dễ bắt gặp tại thời điểm này. Trong cái nắng oi bức của mùa hè, Sa Pa còn đang “nóng” hơn khi thời điểm nghỉ lễ đang cận kề mà nước sinh hoạt đã cạn kiệt. Khách sạn Lodge có tổng số 80 phòng, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 100 m3 nước. Trước tình trạng mất nước nghiêm trọng và kéo dài, khách sạn đã phải quyết định hủy 1 nửa số phòng khách đặt dịp 30/4 – 1/5. Chị Trương Thị Hương, chủ khách sạn cho biết: Việc Sa Pa mất nước khiến cho những người kinh doanh khách sạn, nhà hàng mất đi một khoản kinh phí. Hiện, khách sạn cũng đang phải mua nước hàng ngày của những gia đình có giếng khoan với giá 900.000 đồng/2,5 m3 nước. Mỗi ngày khách sạn mất khoảng chục triệu đồng mua nước, chưa kể chi phí vận chuyển, đồng thời mất đi khoảng 50% lượng khách hàng lớn dịp nghỉ lễ này. Để giữ uy tín, thời điểm này khách sạn đã thông tin đến toàn bộ khách đặt phòng dịp nghỉ lễ về tình trạng mất nước tại Sa Pa.
Những xe chở nước cứu trợ cho các khách sạn, nhà hàng tại thị trấn Sa Pa. |
Qua khảo sát, thời điểm này rất nhiều nhà hàng, khách sạn phải đi mua nước của các vùng lân cận như Sa Pả, Lao Chải, Thác Bạc… với giá thấp nhất là 200.000 đồng/1m3 nước, thời điểm đắt nhất lên tới 500.000 đồng/1m3 nước. Với chi phí như vậy, những khách sạn nhỏ quyết định đóng cửa tạm thời không đón khách để bảo toàn doanh thu. Khoảng 3 ngày trở lại đây, khách sạn Huyền Thoại, đường Mường Hoa không có lấy một giọt nước trên téc. Anh Nguyễn Văn Hùng, quản lý khách sạn cho biết: Khách sạn cũng tính đến phương án mua nước dự trữ nhưng giá nước lên cao, tính ra không đủ bù lỗ, hơn nữa lại nằm ở vị trí đường hẹp, xe chở nước đi vào khó khăn nên khách sạn quyết định hủy toàn bộ lịch đặt phòng của khách dịp 30/4- 1/5.
Không chỉ khách sạn, các nhà hàng kinh doanh ẩm thực cũng đang lao đao vì nước, bởi lượng nước 1 ngày phải sử dụng tại các nhà hàng rất lớn. Anh Ngô Tiến Dũng, chủ nhà hàng Cú Tỉ, đường Lê Văn Tám cho biết: Mặc dù hôm nay là cuối tuần nhưng nhà hàng chỉ đón được 30% khách so với bình thường. Nhiều lượt khách đến rồi đi vì lý do “nhà hàng hết nước rửa rau và rửa bát”. 2 ngày hôm nay anh Dũng phải bỏ ra tiền triệu mua nước với giá 500.000 đồng/3 m3, tuy nhiên lượng nước mua về cũng phải sử dụng rất tiết kiệm mới đủ.
Những phương án “chống cháy”
Khách sạn Bamboo Sa Pa là khách sạn 3 sao, tổng số 75 phòng với bể chứa nước 250 m3, khi kín phòng thì bể chứa chỉ đủ phục vụ trong 2 ngày là cạn nước. Trước tình hình thiếu nước nghiêm trọng, khách sạn đã phải sử dụng xe chở nước từ Lào Cai vào với dự kiến mỗi ngày 4 chuyến, mỗi chuyến 10 m3 nước. Toàn bộ chăn, ga, gối của khách sạn được chuyển ra Lào Cai để giặt. Khách du lịch dịp nghỉ lễ đã nhận theo seri từ đầu năm nên rất khó hủy, khách sạn đã phải thông tin đến toàn bộ khách đặt phòng và mong muốn nhận được sự thông cảm.
Một số khách sạn tận dụng bể bơi để mua nước về dự trữ, tuy nhiên cũng chỉ là phương án tạm thời. Còn tại một số nhà hàng, nước được sử dụng tiết kiệm theo quy trình: Nước rửa chén dùng làm nước rửa bát đũa, sau đó được tận dụng làm nước nhà vệ sinh. Tất nhiên, việc mất nước cũng kéo theo những nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến cho nhiều khách du lịch cảm thấy lo ngại khi lựa chọn Sa Pa là điểm nghỉ dưỡng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Nhiều nhà hàng, khách sạn đã chủ động cảnh báo đỏ trên các trang web, facebook cho khách du lịch nắm được tình hình thực tế. Để giữ uy tín và hình ảnh, các khách sạn cũng chấp nhận không nhận thêm khách đặt phòng khi chưa chắc chắn về việc có nước sử dụng hay không. Khách sạn Q Sa Pa, đường Lê Văn Tám có tổng số 38 phòng, để đảm bảo chất lượng phục vụ, dịp cuối tuần này khách sạn chấp nhận đóng cửa toàn bộ để phục vụ cho việc khoan giếng. Chi phí khoan giếng gần 30 triệu đồng nhưng đây cũng được coi là phương án có tính chất lâu dài và hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng trên, anh Tô Bá Hiếu, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho rằng: Sa Pa mất nước đang gây khó khăn cho những đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hiệp hội Du lịch Sa Pa cũng đề xuất lên UBND huyện về việc giải quyết nhanh chóng, hiệu quả nhất tình hình thiếu nước hiện nay. Tránh tình trạng những cá nhân “đục nước béo cò” bán nước cho dân với giá “cắt cổ”. Hiệp hội cũng mong muốn các đơn vị du lịch chủ động nguồn nước, hy sinh quyền lợi tài chính, đưa ra những thông tin trung thực tới khách hàng để đảm bảo chất lượng dịch vụ, giữ uy tín cho đơn vị nói riêng và giữ hình ảnh du lịch Sa Pa nói chung.