Sáng 19/1, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết việc xây dựng luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ với giáo dục.
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển, chứ không phải thêm điều kiện ràng buộc với đội ngũ này.
Theo ông Đức, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp gồm người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện. Chẳng hạn, nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự.
Ảnh minh họa.
Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ. Bên cạnh đó còn quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp khi đáp ứng đủ các điều kiện.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, trong đó xem xét tờ trình của Bộ GD-ĐT về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với tờ trình của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của luật.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT rằng đây là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội, do vậy Bộ GD- ĐT cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; cần chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.
Bộ GD-ĐT khẩn trương tiến hành công việc, đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào 3/2024 trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.