Gia đình ông Vù A Páo (Bí thư Chi bộ thôn Lán Bò) là hộ tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Năm 2021, gia đình ông chuyển đổi diện tích nương trồng ngô sang trồng gừng. Ngay năm đầu, ông thu hơn 4 tấn củ gừng, trị giá hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông đầu tư làm chuồng, phát triển nuôi lợn bản địa.
Hiện ông duy trì nuôi 5 con lợn thịt, 1 lợn nái, 9 lợn con. Việc tích cực phát triển kinh tế đã giúp gia đình ông trở nên khá giả. Ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong thôn phát triển sản xuất.
Ông Sùng A Dùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nậm Chày nghèo bởi địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Hiện xã có 145 ha lúa 1 vụ. Xã đã đánh giá, khảo sát thực trạng từng hộ nghèo, cận nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời tăng cường vận động người dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên thoát nghèo.
Dựa vào những nguồn lực được phân bổ, xã hỗ trợ vốn, cây giống, con giống cho các hộ. Những loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn để phát triển, nhân rộng đều dựa trên tiềm năng, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào như trồng măng sặt, rừng sản xuất, trồng gừng, nuôi bò, ngựa sinh sản, lợn bản địa…
Xã Nậm Chày thời gian qua cũng được đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia về các thôn, tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, xã Nậm Chày giảm 28 hộ nghèo, tương đương giảm 6,59%; còn 267 hộ nghèo, chiếm 48,55%; còn 83 hộ cận nghèo, chiếm 15,09%. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 25 triệu đồng/người, tăng 6 triệu đồng so với năm 2020.
Chủ tịch UBND xã Nậm Chày Sùng A Dùng cho rằng, những kết quả trong công tác giảm nghèo ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước còn có sự đột phá về tư duy phát triển kinh tế, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.