Nghề dệt của người Thu Lao (huyện Si Ma Cai) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cụ thể, ngày 21/2/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 379/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dệt vải là một trong những nghề thủ công truyền thống hình thành từ rất lâu đời của đồng bào Thu Lao và được trao truyền qua nhiều thế hệ với các công đoạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, sáng tạo riêng.

Người Thu Lao ở huyện Si Ma Cai có dân số khoảng hơn 1.000 người sinh sống tập trung ở thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn; thôn Đội 2, thôn Nàn Vái, xã Nàn Sán; thôn Khuán Púng, xã Bản Mế. Qua khảo sát, trung bình mỗi thôn có từ 3 - 5 khung dệt, 10 - 25 phụ nữ biết và giỏi nghề dệt. Phụ nữ Thu Lao tầm hơn 20 tuổi bắt đầu học nghề dệt, thêu dệt do các mẹ, các bà, các chị dạy, truyền nghề. Số lượng nghệ nhân trong cộng đồng người Thu Lao biết nghề dệt có khoảng 70 người.

Phụ nữ Thu Lao luôn chú trọng và đề cao việc duy trì nghề dệt vải, may y phục truyền thống.

Trong quan niệm của phụ nữ Thu Lao ngày nay, họ luôn chú trọng và đề cao việc duy trì nghề dệt vải, may y phục truyền thống để cho con cháu đời sau có y phục cổ truyền, không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm của nghề dệt gắn liền với các mốc quan trọng trong chu kỳ đời người: mới sinh có tã, địu, mũ bao bọc cơ thể, y phục cưới, y phục tang. Hiện nay phụ nữ trung tuổi, cao tuổi ở trong thôn bản hầu như vẫn mặc trang phục truyền thống hàng ngày. Nam giới tuy ít mặc hơn nhưng trong tủ quần áo lúc nào cũng có một bộ y phục để diện vào những dịp trọng đại. Các sản phẩm của nghề dệt chủ yếu phục vụ nhu cầu trong cộng đồng, chưa trở thành sản phẩm bày bán ngoài thị trường.

Để tạo ra được một bộ trang phục, người phụ nữ Thu Lao mất rất nhiều thời gian và công sức, qua nhiều công đoạn mới tạo thành sợi chỉ để lên khung dệt. Thời gian phụ nữ Thu Lao làm nghề dệt vải cũng chính là thời điểm nông nhàn nhất trong năm - thường bắt đầu từ tháng 10, 11 bởi đây là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch lúa, ngô, sa nhân. Người Thu Lao trồng bông vào tháng 2; tháng 9 khi bông chín rải rác thì thu bông, phơi khô; tháng 10, 11 rảnh rỗi thì họ ngồi cán bông, tách hạt, bật bông, xe bông, luộc sợi, xe sợi, dệt, dệt xong thì nhuộm và cắt, khâu váy, áo, khăn. Ngày kéo sợi đặc biệt phải chọn ngày tốt, ngày có ánh nắng mặt trời, kiêng chọn ngày mưa để sợi kéo được nhanh, mắc sợi vào khung được suôn sẻ, thuận lợi. Trang phục của người Thu Lao lấy màu chàm đen là chủ đạo nhưng lại điểm xuyết họa tiết, hoa văn ở hai đầu khăn quấn, táp vải hoa ở cạp bên trong của váy, táp vải ở hai đầu gấu tay áo, ở dây thắt lưng...

Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai là nghề thủ công truyền thống, không thể thiếu trong mỗi gia đình từ cuối thế kỷ XIX cho đến ngày nay; gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân, thể hiện vị trí, vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. Việc công nhận “Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cainull

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Làm mới di sản làng nghề để phát triển du lịch

Làm mới di sản làng nghề để phát triển du lịch

Thời gian gần đây ai có dịp tới Vĩnh Long không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa cổ kính, phủ màu thời gian của “vương quốc” gạch gốm đỏ soi mình bên dòng kênh Thầy Cai, sông Cổ Chiên. Những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km trên địa bàn các huyện Long Hồ và Mang Thít hoạt động quanh năm.

Người Tày xã Bản Hồ giữ nghề truyền thống

Người Tày xã Bản Hồ giữ nghề truyền thống

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giữ lửa nghề rèn

Giữ lửa nghề rèn

Cuộc sống đổi thay, nghề rèn đúc ở Bắc Hà cũng dần mai một, nhưng với nhiều người thì khát vọng, quyết tâm giữ lửa nghề vẫn thôi thúc từng ngày.

Người Giáy giữ nghề truyền thống

Người Giáy giữ nghề truyền thống

Tại Lào Cai, đồng bào Giáy sống rải rác ở nhiều nơi nhưng nơi tập trung đông nhất ở huyện biên giới Bát Xát. Người Giáy hiện vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng như trang phục cùng nghề may truyền thống tự bao đời.

fbytzltw