Trong ký ức của thế hệ 8X trở về trước, có lẽ hình ảnh các bà, các mẹ thoăn thoắt tay kim, tay sợi đan khăn, đan áo cho chồng đã không còn xa lạ, thế nhưng ở xưởng “Núi Rừng Handmade” chủ yếu lại là các bạn trẻ GenZ.
Thành viên cao tuổi nhất trong xưởng là bà Nguyễn Thị Bình, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Năm nay 62 tuổi. Bà Bình là giáo viên về hưu. Từ khi còn trẻ, bà đã đam mê móc len, bà tự học và sáng tạo nhiều cách móc để tạo ra được những chiếc áo, mũ, khăn theo ý thích.
“Khi bà làm giáo viên, dạy học ở huyện Mường Khương, đời sống còn khó khăn lắm. Mùa đông, bà đan khăn, áo và mũ để đổi lấy khoai, sắn phụ nuôi gia đình" - bà Bình nhớ lại.
Sau khi chuyển công tác ra thành phố Lào Cai, bà Bình vẫn giữ đam mê móc len. Bà học từ internet và tập móc nhiều sản phẩm hơn từ len như thú bông, đồ chơi… rồi mang đi bán dạo. Thế nhưng, sản phẩm len không được ưa chuộng nữa, đồ len do bà làm ra không có nơi tiêu thụ.
Đồ len ấm và bền lắm cháu ạ! Bà đan áo cho chồng, đến nay đã 30 năm rồi, chiếc áo ấy ông vẫn có thể mặc tốt!
- Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ
Một trong những người có “tay nghề” vững tại xưởng “Núi Rừng Handmade” là cô gái ngoài 20 tuổi - Nguyễn Thu Hiền, quê ở huyện Bảo Thắng, từng học du lịch tại Hà Nội. Tuy còn trẻ nhưng Hiền đã làm quen với len nhiều năm.
Nói về ưu điểm của sản phẩm từ len, Hiền tâm sự rằng em có thể thỏa sức sáng tạo, móc được nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, lại còn là “hàng độc” nữa.
Thời đại công nghiệp, sản xuất bằng máy móc rất nhanh, tưởng như móc len, đan len thủ công sẽ chỉ còn là câu chuyện kể trong ký ức về thời xưa cũ. Thế nhưng khi được sản xuất và giới thiệu đúng nơi, vẫn có thị trường ngách cho các sản phẩm từ nghề thủ công, trong đó có đan móc len sợi. Những người đam mê móc len vẫn có phương thức riêng để chinh phục khách hàng.
Với mong muốn khôi phục và phát triển nghề móc len truyền thống, bạn Thạch Tuấn Nhật cùng Nguyễn Thu Hiền đã lập xưởng móc len mang tên “Núi Rừng Handmade”. Đây là nơi tập hợp những người có cùng đam mê móc len, cùng học tập, làm việc, phát triển tay nghề và bán các sản phẩm từ len.
Tại xưởng “Núi Rừng Handmade”, Tuấn Nhật là người quản lý chung, Hiền phụ trách việc móc len và dạy nghề cho các thành viên mới. Mỗi ngày xưởng len thường làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, ngoài ra có một số sinh viên làm việc một buổi/ngày. Xưởng luôn chào đón những ai đam mê và muốn tìm hiểu về nghệ thuật móc len. Khi đến xưởng, các thành viên được dạy móc len miễn phí theo cách “cầm tay chỉ việc”, thời gian làm việc linh hoạt. Các sản phẩm len hoàn thiện sẽ được xưởng mua lại. Đến nay, xưởng có khoảng 20 thành viên, đa phần là sinh viên.
Bạn Hoàng Ánh Ngọc, sinh viên năm nhất, khoa Ngôn ngữ Anh, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Khi đến xưởng, em được các chị phụ trách ở đây hướng dẫn nên biết nhiều cách móc len hơn. Khi không lên giảng đường, có thời gian rảnh là em lại đến xưởng vừa học nghề vừa làm thêm. Sản phẩm len do em làm ra được xưởng mua lại nên em có thêm nguồn thu nhập phần nào hỗ trợ trang trải cuộc sống, bớt gánh nặng cho gia đình”.
Chia sẻ về đam mê len, Thu Hiền nói thêm: Hằng ngày, em có thể ngồi hơn 10 tiếng đồng hồ để nghiên cứu, tìm hiểu và móc len. Khi cảm thấy áp lực, em dành một ngày đi dạo đâu đó, tìm cảm hứng rồi quay lại với công việc mình yêu thích.
Khi hoàn thiện sản phẩm, các thành viên trong xưởng tự thuê trang phục, bố trí thời gian, rủ nhau chọn bối cảnh, chụp ảnh quảng bá sản phẩm. “Các đơn hàng của xưởng ngoài khách trong nước, hiện đã được một số khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ biết tới và đặt hàng. 40% khách hàng là từ người quen giới thiệu, còn lại là do chúng em tự quảng bá trên mạng xã hội”- Tuấn Nhật cho biết.
Có sản phẩm len chỉ mất khoảng 1 đến 2 tiếng để hoàn thành. Nhưng cũng có đơn hàng các thành viên dành thời gian cả tháng để hoàn thiện. Đặc biệt, có khách hàng ở Hàn Quốc đặt sản xuất một sản phẩm với ý tưởng thể hiện quá trình khởi nghiệp của mình. Sau khi nghiên cứu, suy nghĩ kỹ, Thu Hiền trình bày ý tưởng với khách hàng và bắt đầu thực hiện.
“Sản phẩm có rất nhiều chi tiết phức tạp, cứ móc xong một chi tiết, em lại gửi cho khách xem và cùng nhau chỉnh sửa. Sau khoảng 1 tháng sản phẩm hoàn thiện, gửi đến tay khách hàng ở Hàn Quốc, khách rất ưng ý và khen ngợi”- Thu Hiền chia sẻ.
Ngay từ khi thành lập xưởng, Tuấn Nhật mong muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm len và nghề móc len truyền thống đến thị trường khách quốc tế. “Em là người Tày, sinh ra và lớn lên ở miền núi nên rất mong muốn sản phẩm khởi nghiệp của mình có thể gắn liền với núi, rừng, quê hương và vươn ra thị trường quốc tế. Đó cũng là lý do em đặt tên xưởng len là Núi Rừng Handmade” - Tuấn Nhật tâm sự.
Cùng với nguồn khách hàng quen và khảo sát nhu cầu thị trường hiện nay, “Núi Rừng Handmade” tự tin rằng sản phẩm làm ra sẽ được đón nhận và ưa chuộng. Trong tương lai, Tuấn Nhật dự kiến sẽ nghiên cứu để mang đến xưởng ngoài len có thể móc, đan thêm các sản phẩm từ sợi thủ công như lanh, đay... vốn là nghề truyền thống của bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai.
“Bà cứ ngỡ móc len sẽ không còn được ai yêu thích nữa. Ngày nay các bạn trẻ năng động, kết nối với nhiều khách hàng trong và ngoài nước, bà mừng lắm !”. Tâm sự của bà Bình cũng là tâm tư, mong mỏi của nhiều người đam mê len. Với ý tưởng và nhiệt huyết của các thành viên trong xưởng “Núi Rừng Handmade”, tin rằng những “nàng Bân” thời hiện đại sẽ được quanh năm thỏa sức với đam mê của mình.