Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Lão nông Hà Nhì 30 năm giữ nghề đan mâm

Lão nông Hà Nhì 30 năm giữ nghề đan mâm

Từ những thanh gỗ pơ mu cũ kỹ bị vùi trong lớp đất mục tưởng như bỏ đi hoặc chỉ dùng vào việc chẻ ra nhóm bếp, ông Chu Xe Gió, người Hà Nhì, xã Nậm Pung (Bát xát) có thể tách ra thành những chiếc nan mỏng như tấm bìa giấy để đan mâm theo kỹ thuật truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Điều đáng nói, ông Chu Xe Gió là truyền nhân duy nhất của xã Nậm Pung có thể đan mâm bằng nan gỗ pơ mu trong khi một số người khác chỉ đan được bằng nan tre quen thuộc.

0:00 / 0:00
0:00

Phải mấy lần hẹn chúng tôi mới gặp được ông Chu Xe Gió, người Hà Nhì, thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm nhà ông Gió là ngôi nhà ông đang sống ở phía cuối thôn. Trong khi nhiều ngôi nhà trong thôn đã chuyển sang làm nhà tường xây, thì ông Gió vẫn giữ nguyên ngôi nhà truyền thống của người Hà Nhì với tường đất dày hơn 50 cm, chỉ thay đổi mái lợp bằng tôn cho bền và phía tường trong nhà được trát lại bằng xi măng cho sạch sẽ.

2-1747.jpg

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề đan mâm của người Hà Nhì, ông Gió bảo cũng như ngôi nhà đất vuông là bản sắc riêng của người Hà Nhì cần phải giữ gìn, thì nghề đan mâm cũng thế. Không biết nghề đan mâm của người Hà Nhì có từ bao giờ, nhưng ngày từ khi còn nhỏ, ông đã quen thuộc với hình ảnh chiếc mâm truyền thống, vì ngày ngày được ngồi ăn cơm quây quần cùng gia đình quanh chiếc mâm tròn, cảm giác thật ấm áp.

Sau này khi đã lớn ông Chu Xe Gió được bố và những người cao tuổi giỏi nghề đan lát trong thôn dạy cách chọn mây, tre, chọn gỗ pơ mu để đan chiếc mâm truyền thống của dân tộc. “Ngày đó, tôi phải mang rượu đến nhà cụ Ly Seo Lở mời cụ uống rượu thì cụ mới dạy cho cách chọn cây tre, cây mây, cây gỗ tốt và cách đan “ba gồ hồ ga già” (mâm cơm) nhanh và đẹp. Giờ thì cụ đã mất rồi” - ông Gió nhớ lại.

4-5336.jpg

Khoe với chúng tôi chiếc mâm mới vừa đan xong, ông Gió bảo, để làm được chiếc mâm như thế cần nhiều loại vật liệu để làm từng phần của mâm. Trong đó thân mâm đan bằng nan tre, trúc với những cây tre, trúc bánh tẻ 2 năm tuổi để những sợi nan dẻo dai, bền theo năm tháng. Vành mâm đan bằng dây mây và được đan bện với nhau nhiều lớp như chiếc dây thừng, tạo nên kiểu dáng đặc biệt chỉ có ở mâm truyền thống của người Hà Nhì.

Đan vành mâm là công đoạn cầu kỳ nhất vì phải chuốt từng sợi dây mây thật dài và nhẵn bóng để khi bện với nhau vành mâm bền chắc. Muốn kéo những sợi dây mây qua từng khe hẹp cần bôi thêm chút mỡ lợn đen gác bếp để tạo thêm độ trơn bóng, rồi dùng kìm kéo rút từng sợi mây. Người thợ đan giỏi để đan xong một chiếc vành mâm cũng phải mất 2 ngày công.

5.jpg

Ông Chu Xe Gió chia sẻ thêm: Thông thường, mặt mâm truyền thống của người Hà Nhì ở nhiều nơi như xã Y Tý, A Lù, Trịnh Tường đều được đan bằng nan tre, chẻ ra từ những cây tre, cây mai già đanh, sau đó gác lên bếp cho bám khói và bồ hóng để mâm thêm bền, ít mối mọt. Còn ở Nậm Pung, điều đặc biệt là từ xưa một số cụ già có thể đan mặt mâm bằng nan gỗ pơ mu. Đây là loại gỗ quý, mặt gỗ có vân đẹp, lõi gỗ có tinh dầu rất thơm, sâu, mọt không dám đụng tới. Có những cây gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi bị gẫy, vùi dưới đất, đến nay vẫn còn lại phần xương gỗ, không mối mọt nào đục được. Mọi người thường đi tìm về để đan mâm.

Tôi xem kỹ những chiếc nan gỗ pơ mu dài hơn 1m, rộng bằng ba ngón tay, mỏng tang, nổi vân đỏ sẫm. Đúng là loại gỗ đặc biệt, chỉ cần đến gần đã thấy mùi tinh dầu thoang thoảng, đưa lên gần mũi thì mùi tinh dầu xộc vào khoang mũi, lan tỏa lâng lâng như loại dầu gió nào đó. Đây quả thực là loại gỗ pơ mu đỏ quý hiếm, đậm dầu, để cả trăm năm lõi gỗ vẫn như còn tươi. Không hiểu làm thế nào mà lão nông người Hà Nhì có thể chẻ những chiếc nan gỗ dài và mỏng như vậy mà không bị lẹm, bị hỏng.

3-5893.jpg

Ông Gió với bàn tay thô ráp nhặt từng chiếc nan, nheo mắt ngắm nghía rồi bảo: Chẻ nan tre đã khó, chẻ nan gỗ còn khó hơn nhiều lần. Đầu tiên cần chọn những thanh gỗ thẳng, thớ gỗ thẳng đều, không có mắt gỗ để xẻ thành từng thanh nhỏ thì mới chẻ được nan dài và mỏng. Khi chẻ nan cần cẩn thận từng chút một để tách nan cho đều, đi theo đúng thớ gỗ, nếu không nan sẽ bị tước. Có nan rồi thì cần bào và dùng giấy ráp mài cho bề mặt nan thật mịn rồi mới đan. Mỗi chiếc mâm cần tới 60 chiếc nan như vậy. Mâm đan bằng gỗ pơ mu thường có giá từ 2,5 triệu đồng trở lên, trong khi đó mâm đan bằng tre, mây chỉ khoảng 2 triệu đồng.

Tôi hỏi trên địa bàn xã Nậm Pung, ngoài ông còn người biết đan mâm bằng nan gỗ pơ mu nữa không? Ông Gió nhìn ra những cánh rừng xa, ánh mắt đượm buồn: Giờ chỉ có 2 người Hà Nhì biết đan mâm bằng mây tre thôi, còn đan bằng nan gỗ pơ mu thì chẳng còn ai nữa. Một phần vì đan bằng nan gỗ khó hơn, ít người muốn học, phần khác vì bây giờ gỗ pơ mu rất hiếm, chỉ còn lại những khúc gỗ gốc sần sùi, vẹo vọ, để tìm được những đoạn gỗ có thớ gỗ thẳng chẻ nan chẳng dễ dàng gì.

6.jpg

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với niềm đam mê và tâm huyết muốn giữ lại nghề truyền thống, ngày ngày ông Chu Xe Gió vẫn lặn lội vào rừng tìm những mảnh gỗ pơ mu còn sót lại để chẻ nan. Mỗi năm, ông Gió làm được khoảng 20 chiếc mâm, trong đó có khoảng 12 chiếc mâm đan bằng gỗ pơ mu để bán cho những người thích dùng mâm truyền thống của dân tộc Hà Nhì. 30 năm giữ nghề đan mâm, điều ông Gió luôn đau đáu trong lòng là mong muốn truyền lại nghề cho thế hệ sau, giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì nơi mảnh đất đầu nguồn biên giới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

fb yt zl tw