Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Đi tìm "hồn trống" tang sành của người Dao

Đi tìm "hồn trống" tang sành của người Dao

Trống tang sành (hay còn gọi là trống đất) là nhạc cụ độc đáo của cộng đồng người Dao ở Lào Cai. Cuộc sống có nhiều thay đổi, giờ đây nghề làm trống tang sành bị thất truyền, số trống còn lại trên địa bàn tỉnh cũng không nhiều. Tuy vậy, hồn trống tang sành vẫn còn vẹn nguyên trong các dịp lễ, tết của đồng bào Dao như lễ cấp sắc, pút tồng, mừng cơm mới...

nhieu-mau-sac-nhan-dan-va-huy-hieu-tro-choi-tri-nho-ban-thuyet-trinh-vui.jpg
Trống tang sành của đồng bào Dao, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Để rõ hơn về trống tang sành của người Dao, chúng tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh, nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật của đồng bào các dân tộc Lào Cai. Nơi đây đang gìn giữ 3 chiếc trống tang sành, trong đó có 2 chiếc được một gia đình người Dao ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương hiến tặng vào tháng 2/1998 và 1 chiếc do gia đình người Dao ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng hiến tặng tháng 12/2022.

060a5489.jpg
Mặt trống bịt bằng da hoẵng.

Trống tang sành được sưu tập từ 2 địa chỉ khác nhau song cơ bản vẫn giống nhau ở hình dáng, kích thước, chất liệu. Khác với trống thông thường có tang bằng gỗ, hình trụ, thóp 2 đầu và phình ở giữa, trống tang sành có phần vỏ trống (tang trống) bằng đất nung đúc khuôn, chất liệu sành sứ. Thân trống chia 3 phần, thóp nghẹt ở đoạn giữa, một đầu có hình tròn như hũ muối, đầu kia loe hình loa kèn, 2 mặt trống bưng bằng da thú, có các gọng kim loại (đồng hoặc sắt) làm điểm tì và có dây níu để 2 mặt trống càng căng càng tốt.

060a5541.jpg
Một mặt bịt da dê núi.

Điểm khác biệt không nhiều là 2 chiếc trống của đồng bào Dao xã Thanh Bình có chiều cao lần lượt là 47 cm và 49 cm, đường kính đoạn rộng nhất là 20 cm và 21 cm, dây níu căng 2 mặt trống bằng sợi mây, trên tang trống có chữ “Thượng Nguyên Cổ”, mặt da trống được thuộc trơn.

060a5571.jpg
2 mặt trống được níu căng nhờ những sợi mây.

Trong khi trống tang sành của hộ người Dao xã Sơn Hà có chiều cao 60 cm, không có chữ trên tang trống, dây níu tang trống bằng sợi đay bện, mặt trống là da thú còn nguyên phần lông. Điểm dễ nhận thấy ở đây là các chất liệu để làm nên trống tang sành rất bền, như 2 chiếc trống của người Dao xã Thanh Bình qua 27 năm cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai vẫn còn nguyên trạng, không bị mối mọt phần da và dây căng mặt trống.

060a5521.jpg
Ba chiếc trống tang sành của đồng bào Dao xã Sơn Hà (Bảo Thắng) và đồng bào Dao xã Thanh Bình (Mường Khương) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Khó khăn trong việc tìm chủ nhân cũ của 2 chiếc trống tại xã Thanh Bình, chúng tôi tới gặp ông Bàn Văn Sang, thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng là người đã hiến Bảo tàng tỉnh Lào Cai bảo vật của gia đình vốn lưu giữ qua nhiều thế hệ. Ông Sang cho biết, trước đây gia đình ông có 3 chiếc trống tang sành, một chiếc ông hiến cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội, 1 chiếc hiến Bảo tàng tỉnh Lào Cai và 1 chiếc lưu giữ tại gia đình. Cả 3 chiếc trống có chung chiều cao 60 cm, chất liệu sành sứ.

z6346268999070-56eb0ad82b63b47afacb5c10e31b85ed.jpg
Trống tang sành của đồng bào Dao xã Sơn Hà được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội sưu tầm, hiện đang được trưng bày để khách tham quan, thưởng lãm.

Riêng chiếc trống lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học có 2 mặt bưng bằng da hoẵng còn nguyên lông; trống tại Bảo tàng tỉnh có một mặt bưng da hoẵng, mặt còn lại là da dê; trống lưu giữ tại gia đình do chất liệu cũ bị hỏng, gia chủ đang căng tạm bằng 3 lớp vải bền. Chất liệu bằng vải nên trống lưu tại gia đình ông Bàn Văn Sang mang tính biểu tượng, dùng để múa hơn là để chơi nhạc. Khi gõ mặt trống bằng vải chỉ nghe tiếng phùm phụp chứ không boong boong ngân vang như mặt trống có chất liệu bằng da thú.

1235t4hh.jpg
Ông Bàn Văn Sang, thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng) sau khi hiến 2 chiếc trống cổ cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh chỉ còn lại chiếc trống bịt 2 mặt bằng vải, tính tượng trưng nhiều hơn là sử dụng làm nhạc cụ.

Ngoài chiếc trống tang sành, ông Bàn Văn Sang còn lưu giữ 1 chiếc chiêng, 2 chũm chọe bằng đồng cổ, nhạc cụ phục vụ các buổi múa trống tang sành truyền thống trong dịp lễ, tết. Trống tang sành là nhạc cụ chủ đạo trong phần lễ có múa trống, người chơi đeo trống trước ngực và lấy tay hoặc que nứa gõ vào mặt trống theo nhạc điệu, những người sử dụng chũm chọe đồng phụ âm cho trống.

img-8324.jpg
Với trống tang sành, có thể gõ bằng tay hoặc que nứa để phát ra âm thanh.

Ông Bàn Văn Sang năm nay 75 tuổi, còn khỏe mạnh, minh mẫn, cách đây gần 10 năm ông được công nhận là nghệ nhân bởi đóng góp vào sinh hoạt văn hóa múa trống tang sành của người Dao. Nghệ nhân Bàn Văn Sang vẫn tham gia múa trống tang sành truyền thống nhân các dịp lễ như cấp sắc, pút tồng, mừng cơm mới...

img-8356-1319.jpg
Nghề làm trống tang sành dần mai một tại Lào Cai.

Tại xã Sơn Hà hay một số xã thuộc huyện Bảo Thắng có cộng đồng người Dao sinh sống tập trung, không mấy người lưu giữ được trống hoặc biết múa trống tang sành. Theo ông Sang, lý do là trống tang sành được làm khá mỏng để tạo thanh âm ngân vang nên rất dễ vỡ, dễ hỏng, trong khi để làm trống lại rất cầu kỳ, qua nhiều công đoạn. Ông Sang đã dành thời gian dài lặn lội tìm kiếm, liên hệ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh nhưng đến nay chưa gặp ai còn giữ được nghề làm trống tang sành, “có lẽ nó thất truyền hẳn rồi”, ông Sang trầm giọng.

img-8310.jpg
Nỗi lo cho hồn trống tang sành hiện rõ trên gương mặt nghệ nhân Bàn Văn Sang.

Những gì ông Sang còn nhớ được là khi mình vừa cao bằng bụng con trâu đã một vài lần đi xem người lớn đúc, nung tang trống. Đó là công đoạn lọc, nhào nặn đất hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ, công đoạn làm khuôn, làm phôi, nung trống cũng được tính toán cẩn thận. Có lẽ những niêm luật chặt chẽ, khó khăn ấy, cùng với sự hiếm hoi trong tìm nguyên liệu làm mặt trống mà nghề làm trống tang sành dần mai một?.

nhieu-mau-sac-nhan-dan-va-huy-hieu-tro-choi-tri-nho-ban-thuyet-trinh-vui.png
Ngoài trống tang sành, ông Bàn Văn Sang còn lưu giữ bộ chiêng đồng cổ phục vụ sinh hoạt múa trống trong các nghi lễ văn hóa đồng bào Dao.

“Có cách gì để phục hồi nghề này không, thưa ông?”- tôi hỏi. Trầm ngâm hồi lâu, nghệ nhân Bàn Văn Sang cất giọng: “Cũng không thực sự khó, nếu mang mẫu trống gửi về các làng nghề như Bát Tràng thì người ta làm được ngay. Nhưng để cá nhân làm việc này rất khó mà cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn văn hóa”. Chia tay nghệ nhân Bàn Văn Sang trong buổi chiều mưa xuân, chúng tôi thấy bâng khuâng, tiếc nuối cho một nghề truyền thống giàu tinh hoa, bản sắc - nghề làm trống tang sành của đồng bào Dao

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt cuốn sách tuyển chọn hơn 70 bài viết, phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Ra mắt cuốn sách tuyển chọn hơn 70 bài viết, phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Nhằm góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", tuyển chọn hơn 70 bài viết, bài phát biểu, thư của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ năm 2000 đến năm 2010.

Văn hóa cà phê - Hương vị kết nối con người và vùng đất Tây Nguyên

Văn hóa cà phê - Hương vị kết nối con người và vùng đất Tây Nguyên

Buôn Ma Thuột - mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên, nơi hương vị cà phê đậm đà đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Bất cứ khi nào đặt chân đến Ban Mê, bạn đều có thể thưởng thức những ly cà phê được pha chế theo nhiều cách khác nhau, mang đậm dấu ấn bản địa, làm say lòng người.

[Ảnh] Làng Vị Khê - nơi trồng cây cảnh nổi tiếng nhất Nam Định

Hành trình dọc sông Hồng: [Ảnh] Làng Vị Khê - nơi trồng cây cảnh nổi tiếng nhất Nam Định

Đến làng cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá, nay là xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), nhiều người không khỏi trầm trồ trước sự khéo léo của các nghệ nhân chăm sóc những cây cảnh tiền tỷ. Đặc biệt, làng cây cảnh này đã có lịch sử tồn tại gần 1.000 năm.

Bài cuối: Tăng cường giao lưu, kết nối "dòng chảy" văn hóa dọc sông Hồng

Sông Hồng – hành trình di sản: Bài cuối: Tăng cường giao lưu, kết nối "dòng chảy" văn hóa dọc sông Hồng

Dòng sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi chảy qua 9 tỉnh của nước ta đã hình thành nên "dòng chảy" văn hóa quan trọng trong suốt quá trình lịch sử. Điều đáng nói là "dòng chảy" văn hóa đó được kết nối qua các vùng đất và đến nay càng phát huy giá trị, trở thành nền tảng cho sự phát triển của trục kinh tế - văn hóa dọc sông Hồng ngày hôm nay.

[Ảnh] Đến Hà Nam thăm làng nghề trống Đọi Tam

Hành trình dọc sông Hồng: [Ảnh] Đến Hà Nam thăm làng nghề trống Đọi Tam

Làng nghề trống Đọi Tam ở xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là làng nghề có lịch sử phát triển hơn 1.000 năm và là làng nghề nổi tiếng với sản phẩm trống truyền thống. Ngoài việc giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo, làng nghề còn linh hoạt đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho người tiêu dùng.

Áp dụng số hóa: Cẩn trọng để giữ tính nguyên bản của lễ hội

Áp dụng số hóa: Cẩn trọng để giữ tính nguyên bản của lễ hội

Mùa lễ hội năm 2025 đã đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ khi công nghệ số được áp dụng rộng rãi vào các hoạt động tổ chức và quản lý. Không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của du khách, những ứng dụng công nghệ như vé điện tử, thanh toán không tiền mặt, thực tế ảo đã góp phần tạo nên một mùa lễ hội minh bạch, an toàn và hiện đại hơn.

Bài 4: Độc đáo những làng nghề bên dòng sông mẹ

Sông Hồng – Hành trình di sản Bài 4: Độc đáo những làng nghề bên dòng sông mẹ

Cùng với những di tích khảo cổ, những lịch sử - văn hóa mang nhiều giá trị bên sông Hồng, đi đến những vùng đất nơi sông Hồng chảy qua, chúng tôi còn được tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa của nhiều làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm tuổi ven sông Hồng, tạo nên nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước của cư dân người Việt.

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối": Phim cách mạng đầu tiên không dùng kinh phí Nhà nước

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối": Phim cách mạng đầu tiên không dùng kinh phí Nhà nước

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, phim điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” mang đến những hình ảnh hào hùng và bi tráng về địa đạo Củ Chi anh hùng, dự kiến sẽ khởi chiếu vào tháng 4 tới. Đây là bộ phim cách mạng đầu tiên do tư nhân đầu tư thực hiện.

fb yt zl tw