Cùng cán bộ văn hóa xã Sơn Hà, chúng tôi men theo tuyến đường bê tông len lỏi giữa những rừng quế xanh bạt ngàn để tới trung tâm thôn Trà Chẩu.
Để rõ hơn nghề dệt vải truyền thống của người Dao họ, chúng tôi đã tìm tới gia đình ông Bàn Văn Quang, người chuyên nghiên cứu về văn hóa dân tộc Dao. Ông Quang cũng là người con của đồng bào Dao họ, sinh ra và lớn lên tại thôn Trà Chẩu. Năm nay 66 tuổi, là cán bộ hưu trí, ông Quang từng giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà.
Khi chúng tôi đến nhà, đúng lúc ông Quang đang sắp xếp, phơi và chép lại sách cổ. Ông Quang còn lưu giữ được vài chục cuốn sách cổ viết theo lối Hán tự. Tuy nhiên, một số ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nên nhòe mực, ông Quang phải chép lại. Ông Quang học Hán tự, tiếp cận văn hóa Dao từ hồi còn niên thiếu. Suốt quá trình công tác không có nhiều thời gian để học và rèn chữ nên cách đây 6 năm, khi nghỉ hưu ông mới đem cả tâm huyết cho công việc lưu giữ, chép sách cổ.
Bận bịu là thế nhưng ông Quang vẫn dành cho chúng tôi đủ thời gian để biết những thông tin khái quát về nghề dệt của đồng bào Dao họ tại Bảo Thắng, nhất là với bà con thôn Trà Chẩu. Ông Quang bảo, đồng bào Dao họ ở đâu cũng vậy, luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt, trang phục truyền thống và nghề dệt vải.
Ông Quang cho biết thêm: Huyện Bảo Thắng có khoảng 34,7% số hộ là đồng bào Dao (tương đương 39 nghìn người), chủ yếu là đồng bào Dao họ, cư trú chủ yếu tại xã Phú Nhuận, xã Sơn Hà, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu... Trong đó, người Dao họ ở Trà Chẩu còn lưu giữ được nghề dệt vải truyền thống tốt hơn cả. Toàn thôn hiện còn khoảng 50 bộ khung cửi dệt vải.
Theo giới thiệu của ông Quang, chúng tôi sang nhà hàng xóm để gặp bà Đặng Thị Khoa, 52 tuổi, một trong những người thạo nghề dệt ở Trà Chẩu. Bà Khoa đặt khung cửi cạnh cửa sổ - vị trí tốt nhất để sử dụng ánh sáng tự nhiên khi dệt vải. Trên khung cửi là cuộn vải bà Khoa đang dệt dở. Những sợi vải trắng ngà buông như làn khói mỏng sau mỗi lần thoăn thoắt thoi đưa. Những âm thanh lách cách, kẽo kẹt của gỗ va chạm, cọ xát vào nhau khiến ngôi nhà mộc mạc giữa rặng quế thêm rộn ràng.
Khung cửi của bà Khoa sử dụng sau hàng chục năm đã cũ nhưng so với tuổi của khung quay sợi vẫn còn thua xa. Chiếc khung quay sợi màu như gỗ mun được truyền lại đến bà Khoa là đời thứ 4. Bà Khoa xem chiếc khung quay sợi như “bảo vật” của gia đình và mang tầm thế hệ. Bà Khoa bảo, trước đây, người Dao ở Trà Chẩu vẫn trồng bông, se, kéo sợi, nhưng nay sợi bán sẵn ngoài chợ huyện, giá không cao nên cây bông không còn hiện hữu trên đồng đất Trà Chẩu nữa.
Để có được những tấm vải dệt bằng khung cửi phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ như luộc sợi, hồ sợi, se, kéo, quay sợi. Mỗi công đoạn như thế, gắn liền với sự cần mẫn, khuôn thước thì trong quan niệm của đồng bào Dao là những điều cấm, kiêng kỵ khác nhau. Ví như, rửa tay 3 lần trước khi làm việc, không được nói những câu chuyện buồn, không mắng mỏ, nói nặng lời ai đó đang gần mình khi dệt vải...
Với phụ nữ Dao họ, ngoài trang phục mặc hằng ngày, con gái người Dao họ tới tuổi cập kê phải biết dệt, may, thêu ít nhất 2 bộ quần áo mới để mặc trong ngày cưới. Những gia đình có điều kiện kinh tế, họ có thể tự may sắm cho mình 4 bộ trang phục truyền thống mới, khi làm lễ bái gia tiên sẽ thay 2 bộ khác.
Cũng như các hộ khác trong thôn, việc lưu giữ nghề dệt vải truyền thống của gia đình bà Khoa một phần phục vụ nhu cầu cuộc sống của chính mình, một phần là sản phẩm hàng hóa, bán cho những người có nhu cầu. Ngày nay, quan niệm của đồng bào cũng có một số thay đổi. Trước đây, phụ nữ Dao họ đều phải biết quay tơ, dệt vải, thêu thùa, nhưng nay một số nơi, chị em mua vải dệt sẵn của những người như bà Khoa rồi tự mình nhuộm chàm, thêu hoa văn, cắt may trang phục. Những thay đổi đó không đủ làm mất đi tiếng kẽo kẹt đêm ngày phát ra từ khung cửi ở Trà Chẩu; bên song cửa sổ, những sợi vải trắng ngà vẫn buông như rèm thưa.
Cách đây 2 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định 783/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề dệt vải của dân tộc Dao huyện Bảo Thắng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với 114 hộ người Dao ở Trà Chẩu, đó là niềm vui rất đỗi tự hào, bởi bản sắc văn hóa truyền thống sẽ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả trong đời sống thường nhật, trong đó có nghề dệt vải.