LCĐT - Lòng thành và sự giàu có cả tinh thần lẫn vật chất của người về dự hội khiến tôi thấy được sự an khang, thịnh vượng, sự quan tâm tới tín ngưỡng của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Xuân này về thăm quê rồi du ngoạn Địa Tạng Phi Lai Tự luôn đi ông ạ! - Cú điện thoại của ông bạn cùng quê làm tôi hơi ngớ người. Là người mê say cảm nhận thế giới bình yên, an lành nơi cửa Phật nên xuân nào tôi cũng thành tâm thăm viếng chùa chiền. Đã đến chiêm bái, ngưỡng vọng khá nhiều ngôi chùa trên đất nước, nhưng Địa Tạng Phi Lai Tự thì quả thực mới nghe thấy lần đầu, nhất là lại ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.
Tôi băn khoăn hỏi, bạn cười lớn, rồi trả lời:
- Chùa Đùng đó ông! Ngôi chùa nghìn năm tuổi bị bỏ quên nay hồi sinh rồi, là điểm đến “hot” trong du lịch tâm linh của đất nước hiện nay đấy.
Tôi ngạc nhiên thực sự.
Chùa Đùng thì tôi khá rõ. Ngôi chùa ấy nằm đối diện với làng tôi, ngay chân núi Đùng. Núi Đùng ở đầu làng Đùng, là khoảng giữa của dãy núi Phượng Hoàng. Phượng Hoàng là dãy núi đất chạy từ đầu huyện đến cuối huyện Thanh Liêm. Tương truyền, để lập ra kinh đô nước Việt, Ngọc Hoàng phái một đoàn Phượng Hoàng đi tìm đất. Đoàn vua của các loài chim đã nhiều ngày bay lượn, từ vùng núi tới đồng bằng, rồi ra tận biển khơi mà vẫn chưa tìm được chỗ ưng ý để lập đô.
Quang cảnh chùa Đùng. |
Một buổi sớm, sau khi đón bình minh trên dòng sông Đáy trong xanh nhìn thấu tới tận đáy, đàn chim sứ giả bay vút lên bầu trời. Từ trên cao nhìn xuống thấy một dãy núi có cả trăm ngọn đuổi nhau nổi lên giữa cánh đồng mênh mông ngô lúa. Núi ngập trong màu xanh yên bình. Ruộng đồng ôm dọc chân núi khơi gợi sự no đủ. Hai dòng sông hai bên dãy núi như hai hào nước vĩ đại chở che, bao bọc.
Thấy đây là vùng đất có thể thuận lòng trời, quy tụ lòng người, chim đầu đàn chỉ dẫn cho mỗi con trong đàn đậu xuống một ngọn núi để đánh dấu mảnh đất được chọn làm đế đô. Ngặt thay, khi các con chim đã yên vị trên các ngọn núi, chỉ còn trơ lại mỗi con đầu đàn không còn chỗ đậu. Sau khi lượn đi lượn lại nhiều vòng, chim bực mình nhằm hướng Nam sải cánh. Thấy chim chủ bay đi, dẫu lưu luyến với miền đất tốt nhưng cả đàn đành phải dứt bỏ bay theo, để nợ lại mảnh đất này một kinh đô tương lai.
Còn chùa Đùng! Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này nằm dưới rừng cây cổ thụ bạt ngàn, lưng tựa núi, bên trái, bên phải đều có hai ngọn núi nhô ra như tay ngai, tạo ra thế Thanh Long - Bạch Hổ. Theo các cụ truyền lại, chùa được xây dựng từ thế kỷ XI với hơn 100 gian, xưa kia từng là nơi vua Trần Nghệ Tông ở ẩn và vua Tự Đức từng thăm viếng nơi đây. Truyền thuyết, chuyện kể xưa là vậy, những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi tôi vẫn còn là thằng bé chăn trâu cắt cỏ, chùa Đùng đã tường xiêu mái sập, cây cối um tùm che lấp, quanh năm không người nhang khói. Xưa kia, làng to làng bé làng nào cũng có một ngôi chùa, làng nào cũng nâng niu, trân trọng, cắt cử người ra coi sóc, đèn hương nơi cửa Phật. Hầu hết các chùa quê tôi không có sư sãi, các phật tử không được trải qua các khóa tu luyện, nhưng tiếng chuông chùa vẫn ngày ngày thức tỉnh chúng sinh, niềm tin của các phật tử vào đấng thiêng liêng vẫn lan tỏa, bám sâu vào đời sống hằng ngày. Song chùa Đùng không hiểu vì sao không được như thế, có lẽ ngôi chùa nghìn năm tuổi này nằm sâu trong núi, ẩn mình trong cây cối rậm rạp um tùm, xa làng xã đã khiến chốn thờ Phật này bị lãng quên…
Kiểm chứng lời giới thiệu của bạn, tôi tra Google, hàng trăm kết quả khen ngợi chùa Đùng, tức Địa Tạng Phi Lai Tự khiến tôi tự hào, yên tâm đưa cả gia đình rong ruổi về quê du xuân, thăm thú Địa Tạng Phi Lai Tự, để rồi: “Bao năm mới được trùng phùng/Đợi mưa, đón nắng dưới rừng thông reo/Bồi hồi với gió trong veo/Tiếng chuông ngân, bóng nắng neo hồn người”. Và rồi: “Ngàn năn dấu tích - ơn trời/Cho tôi mường tượng tới thời xa xưa/Cái thời Phật giữa nắng mưa/Cõi vô thường gánh trầm luân cõi đời/Phật tâm, Phật tích dưới trời/Mây lành tụ giữa gọi mời hữu duyên/Từ, bi, hỉ, xả, linh thiêng/Khai tâm, giác ngộ làm nên chùa Đùng”… Những câu thơ cứ ngân lên trong tôi, trong không khí trong lành, thoát tục, bồi hồi người xưa cảnh cũ, sơn thủy hữu tình.
Thì đây!
Ngôi chùa có dấu tích nghìn năm, từng được vua Tự Đức về cầu tự. Nhà vua hay thơ, yêu lịch sử dân tộc đã để lại nơi này hai chữ “Phi Lai”, được hiểu là đức Phật đã ngụ ở nơi này rồi đi, ngài có thể quay trở lại hoặc không. Được biết, ý nghĩa này đã được Đại đức Thích Minh Quang tiếp nhận, trăn trở, hằng tâm hằng sản, quy tụ lòng nhân, bắt tay vào tu sửa, hồi sinh lại và lấy tên mới là Địa Tạng Phi Lai Tự.
Thì kia!
Dưới rừng thông bạt ngàn, núi đồi khoe dài khoe rộng, đồng ruộng, sông ngòi yên bình, bát ngát là ngôi chùa có quần thể kiến trúc cổ kính, bề thế, uy nghiêm. Ngoài tòa tam bảo, tòa điện Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, khu giảng đường cho tăng ni, phật tử còn có nhà thờ Tổ - nơi thờ tự bốn mươi hai sư tổ trụ trì chùa, trên đỉnh núi còn có tháp Phổ Đồng, nơi an nghỉ của các tổ sư dựng lên vào thời Lý - Trần được phục dựng lại.
Thì đây! Không biết thời thịnh ngôi chùa nhộn nhịp cỡ nào nhưng hiện giờ, trước mắt tôi là mấy trăm ô tô lớn nhỏ đậu chật kín sân đỗ của chùa, nối đuôi nhau thành một hàng dài khắp các ngả đường. Hàng nghìn khách hành hương gương mặt an vui, hồ hởi đã và đang thể hiện sự lan tỏa linh thiêng của chùa. Lòng thành và sự giàu có cả tinh thần lẫn vật chất của người về dự hội khiến tôi thấy được sự an khang, thịnh vượng, sự quan tâm tới tín ngưỡng của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Thì kia… “Bây giờ đi giữa bình an/Chùa hồi sinh đón muôn vàn chúng sinh/Dập dìu sơn thủy hữu tình/Khói nhang quyện với lòng thành, khát khao/Thấy mình vui với xôn xao/Bể dâu tan giữa nao nao lòng giời/Duyên lành quên cả xa vời/Sà xuống đậu giữa lòng người hành hương”. Những câu thơ trong tôi lại ngân nga, ngân nga. Cầu chúc cho ngôi chùa tiếp tục hồi sinh để Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và các đức Thánh, Phật luôn luôn ngự tại nơi sơn thủy hữu tình này.