Ở nhiều nơi “tháng ba ngày tám” là mùa nông nhàn nhưng người dân ở vùng quế Nậm Đét lại là ngày mùa. Đối với họ, khái niệm mùa nông nhàn không còn nữa, bởi tháng 3 (âm lịch) là mùa thu hoạch quế, tiếp đến là gặt lúa vụ xuân, rồi cày cấy vụ mùa, tháng 8 lại vào mùa bóc vỏ quế, mùa tiếp mùa như thế. Trên đường vào Nậm Đét, đâu đâu cũng ngào ngạt hương thơm của quế, nhờ trồng quế, nhiều hộ ở đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Năm nay trời nắng lâu nên người dân vùng quế Nậm Đét dốc toàn lực ra thu hoạch, bởi chỉ ít ngày nữa, sau những trận mưa đầu mùa, quế ra chồi non thì vỏ sít lại không bóc được nữa.
Chị Triệu Thị Hà, thôn Tống Thượng đang xếp những cuộn vỏ quế dày lên cân, cạnh đó là thương lái ghi chép từng mã hàng, sau đó tính tiền trả ngay. Vỏ quế của gia đình chị được thương lái trả giá 22.000 đồng/kg. Chị Hà cho biết, gia đình có 4 ha quế, mỗi năm cho nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng. Nhờ trồng quế, chị đã tích cóp được tiền xây ngôi nhà khang trang và dự định mua xe bán tải phục vụ nhu cầu của gia đình.
Gia đình anh Đặng Văn Tân, thôn Bản Lắp có gần 7 ha quế, trong đó khoảng 4 ha đến tuổi khai thác, còn lại là quế từ 3 - 5 năm tuổi. Năm nào gia đình cũng khai thác tỉa, vừa có nguồn thu, vừa tạo độ thoáng cho đồi cây. Vào vụ thu hoạch, anh Tân phải thuê từ 8 - 10 người khai thác quế mỗi ngày. Từ đầu vụ đến nay, gia đình bán được hơn chục tấn vỏ quế, thu về hơn 200 triệu đồng.
Cùng chung niềm vui, chị Triệu Thị Mùi, thôn Bản Lắp phấn khởi vì những năm gần đây cây quế có giá trị kinh tế cao, giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Chị Mùi tâm sự: Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch và bán được hơn 50 triệu đồng tiền quế. Nhờ số tiền này, gia đình có điều kiện cho con đi học đại học và trang trải cuộc sống hằng ngày.
Thôn Bản Lắp có 800 ha rừng sản xuất, chủ yếu trồng quế, trong đó quế cho thu hoạch từ 8 đến 15 năm tuổi là 600 ha. Ông Triệu A Sơn, Trưởng thôn Bản Lắp cho biết: Giá quế năm nay ổn định từ đầu vụ tới giờ, không phập phù lên xuống như nhiều năm trước. Với mức giá này, người trồng quế có thu nhập khá.
Theo chia sẻ của nông dân, giá vỏ quế tươi được bán tại chân đồi dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/kg; vỏ quế khô giá 47.000 - 48.000 đồng/kg; quế đã sơ chế (quế ống sáo, ống điều, quế thanh…) được bán 90.000 - 100.000 đồng/kg. Vỏ quế khai thác đến đâu có doanh nghiệp và thương lái vào tận nơi thu mua đến đó, việc tiêu thụ các sản phẩm từ quế rất thuận lợi. Người trồng có thể tận thu bán vỏ và lá quế, thậm chí những cành quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định.
Thu hoạch quế diễn ra 2 vụ/năm, đó là vụ 3 (từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch) và vụ 8 (từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch). Trong khoảng thời gian này, vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu, vì vậy công việc thu hoạch quế cần khẩn trương, bởi trái vụ, vỏ quế sẽ dính chặt vào thân, bóc không dóc.
Ông Triệu Phúc Vầy, Giám đốc Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét cho biết: Bình quân mỗi năm hợp tác xã thu mua hơn 800 tấn quế tươi để sản xuất ra các sản phẩm quế ống điếu, ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm… phục vụ xuất khẩu. Mỗi vụ thu hoạch, hợp tác xã phải huy động hết nhân lực, thuê thêm nhiều lao động mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
“Thủ phủ quế” Nậm Đét hiện có gần 1.900 ha quế, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1.200 tấn vỏ quế, đem lại nguồn thu hơn 60 tỷ đồng. Ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, việc tiêu thụ vỏ quế rất thuận lợi, thương lái đến từng hộ thu mua ngay từ đầu vụ. Giá quế ổn định là động lực để người dân chăm sóc, mở rộng diện tích trồng quế.