Lá cờ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo báo Liên hợp buổi sáng, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thiết lập quan hệ đối thoại đã hơn 30 năm, hai bên không ngừng đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng, mở ra không gian phát triển thông thoáng hơn, đồng thời tiếp tục bổ sung động lực cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Ngày 2/6, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực hoàn toàn với 15 nước ký kết, khu thương mại tự do có dân số nhiều nhất, quy mô kinh tế-thương mại lớn nhất và tiềm lực phát triển mạnh nhất toàn cầu bước vào giai đoạn mới thực hiện toàn diện. Hợp tác kinh tế-thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc với tư cách là các thành viên quan trọng của RCEP cũng có nhiều lợi ích. Đàm phán khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0 cũng đang được thúc đẩy ổn định.
Theo Chủ tịch kiêm giám đốc Ngân hàng HSBC Trung Quốc Vương Vân Phong, trong bối cảnh tình hình kinh tế và công nghệ thế giới biến đổi đan xen, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế mới sẽ cung cấp lộ trình thiết thực để các doanh nghiệp Trung Quốc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời điều này cũng yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc nắm bắt xu hướng chung, nắm bắt cơ hội vàng, tích cực thử nghiệm.
Trung Quốc và ASEAN gần nhau, văn hóa tương đồng, từ trước đến nay luôn là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau, xu hướng phát triển đầu tư và thương mại song phương tích cực. Trong quá trình tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp Trung Quốc rất hợp lý khi xác định ASEAN là điểm lựa chọn hàng đầu để mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Lấy Singapore làm ví dụ, là cửa ngõ quan trọng để tiến vào thị trường ASEAN, đồng thời cũng là trung tâm khu vực của các ngành sản xuất, logistics, kinh tế số, phát triển xanh… Chính sách của Singapore minh bạch, thị trường ổn định, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hơn nữa ngôn ngữ và văn hóa tương đồng với Trung Quốc, môi trường kinh doanh ưu việt, hội tụ đầy đủ các thế mạnh của khu vực. Những lợi thế này đã thu hút nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục thông qua Singapore để tiến vào thị trường Đông Nam Á, đồng thời lấy đó làm nền tảng để tích cực khám phá cơ hội thị trường.
Từ hai cuộc gặp gần đây giữa lãnh đạo hai nước, cũng như trong tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác hướng tới tương lai chất lượng cao toàn diện, mối quan hệ lâu dài giữa Trung Quốc và Singapore có bằng chứng tích cực. Bộ Ngoại giao Singapore nhấn mạnh, quan hệ đối tác sau khi nâng cấp phản ánh hai bên không ngừng nỗ lực mở rộng hợp tác song phương, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác mới trong các lĩnh vực hướng tới tương lai như kinh tế số, kinh tế xanh… Singapore là trung tâm tài chính khu vực và cửa ngõ đi vào ASEAN, tăng cường quan hệ song phương Trung Quốc-Singapore sẽ mang lại hiệu ứng dây chuyền đối với thị trường khu vực.
Xét từ góc độ bổ sung về cơ cấu sản xuất công nghiệp của hai thị trường Trung Quốc và ASEAN, bên cạnh hàng hóa truyền thống và thương mại dịch vụ, các sản phẩm trung gian và thiết bị sản xuất mà Trung Quốc có lợi thế so sánh sẽ tiếp tục trở thành nguồn cung quan trọng cho việc nâng cấp ngành sản xuất chế tạo và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của ASEAN. Thị trường tiêu dùng ASEAN và xu hướng chung của nhu cầu chuyển đổi xanh kích thích lẫn nhau cũng sẽ mở ra không gian đầu tư rộng lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong bối cảnh thị trường trong nước của Trung Quốc cạnh tranh gay gắt và có xu hướng bão hòa, Singapore và ASEAN chắc chắn là một điểm tựa lý tưởng nhất để mở rộng thị trường quốc tế, bố trí chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, nhu cầu chuyển đổi ít carbon của ASEAN còn liên quan đến nhiều lĩnh vực như thương mại ít carbon, thiết bị và công nghệ xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh… Năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị trên lĩnh vực liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể cung cấp sự hỗ trợ quan trọng để ASEAN thực hiện mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không.
Ngoài ra, các lĩnh vực kinh tế số như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ ảo (Metaverse), khám chữa bệnh thông minh… cũng là những ngành công nghiệp mới nổi thuận theo xu hướng thay đổi công nghệ toàn cầu, phù hợp với đặc điểm mới về tiêu dùng của Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Trung Quốc dựa vào lợi thế sáng tạo công nghệ và ứng dụng tình huống của mình cũng có không gian thể hiện rộng rãi ở các lĩnh vực này. Lấy thương mại điện tử làm ví dụ, theo các tính toán liên quan, quy mô thị trường thương mại điện tử của ASEAN sẽ đạt 234 tỷ USD vào năm 2025.
Tóm lại, đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, thị trường ASEAN có nhiều cơ hội, tiềm năng kinh tế mới và lớn. Tuy nhiên, thách thức cũng không hề ít, bao gồm tính đa dạng trong phát triển kinh tế giữa các nước khác nhau, khác biệt trong xây dựng và thúc đẩy chính sách, cũng như ảnh hưởng của vấn đề văn hóa đa sắc tộc đối với hành vi và sở thích tiêu dùng…
Để mở cửa thành công thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp Trung Quốc không những cần thực hiện tốt việc lập kế hoạch tổng thể, mà còn cần xây dựng chính sách thực hiện chính xác và có tính mục đích, đồng thời cân nhắc thông qua hợp tác với các tổ chức chuyên nghiệp đáng tin cậy để tránh những rủi ro của hoạt động kinh doanh, đảm bảo phát triển ổn định trong khu vực nhiều cơ hội mới này.