- Trước hết, xin ông cho biết trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại như thế nào đối với khách hàng có quan hệ tín dụng với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh?
Trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt nặng nề về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền Bắc, trong đó có Lào Cai. Trước tình hình thiệt hại của người dân, gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp là khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chỉ đạo các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khẩn trương nắm bắt, thống kê số lượng khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do mưa lũ và dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng tại thời điểm bị thiệt hại. Tính đến ngày 18/9/2024, trên địa bàn có 2.586 khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do mưa lũ; dư nợ bị ảnh hưởng ước sơ bộ khoảng 5.567 tỷ đồng.
- Hiện nay, công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ khách hàng của ngành ngân hàng được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã khẩn trương ban hành Văn bản số 561/LCA1 ngày 10/9/2024 về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, yêu cầu các ngân hàng thực hiện ngay các biện pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai.
- Những ưu tiên trước mắt để hỗ trợ khách hàng là gì, thưa ông?
Theo văn bản chỉ đạo số 561/LCA1 ngày 10/9/2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh yêu cầu các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn triển khai ngay những giải pháp để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Đó là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau mưa lũ theo các quy định hiện hành.
Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 và Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Quyết định 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đến nay, một số tổ chức tín dụng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống thực hiện ngay giải pháp trước mắt. Đó là giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại; tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng, đề xuất tổng giám đốc tổ chức tín dụng mức giảm lãi suất cho vay cao hơn, tối đa đến 2%/năm. Miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6/9/2024 đến 31/12/2024. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai, chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 3 đến hết ngày 31/12/2024.
- Hậu quả mưa lũ gây ra rất nặng nề và còn kéo dài, vậy trong thời gian tiếp theo, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có những giải pháp nào để hỗ trợ khách hàng?
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại theo các cơ chế, chính sách theo quy định. Đó là, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tiếp tục cho vay mới với lãi suất hợp lý để giúp khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau mưa lũ theo các quy định hiện hành; các ngân hàng tiếp tục tích cực chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; triển khai nhiều sản phẩm, gói cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng (cho vay tín chấp; cho vay dựa trên tài sản bảo đảm hình thành từ khoản vay mới…); quan tâm đến cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cần tiền mua sắm vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!