Năm 2025, cả nước dự kiến hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội

Năm 2025, căn cứ từ số liệu các địa phương đã đăng ký, Bộ Xây dựng dự kiến cả nước sẽ hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Cùng đó, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên mức 27m2 sàn/người; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%...

Phát triển nhà ở xã hội vẫn được xác định là trọng tâm; là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, nhằm giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, đồng thời nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội. Theo Công điện 130, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội...

Tại hội nghị của ngành xây dựng, nội dung phát triển nhà ở xã hội cũng thu hút sự quan tâm của các địa phương và cả doanh nghiệp. Đại diện cho Thủ đô, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong chia sẻ, theo Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", thành phố được giao chỉ tiêu phát triển 56.200 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Hiện tại, Hà Nội đang triển khai 69 dự án với quy mô khoảng 4,17 triệu m2 sàn, tương đương 73.300 căn hộ. Trong năm 2025, thành phố dự kiến khởi công hai dự án nhà ở xã hội tập trung tại Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2 với tổng diện tích 80 ha.

Sở Xây dựng Hà Nội đang rà soát và bổ sung 15 khu đất mới để xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời bố trí 2-3 khu đất để xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp. Đồng thời, đề xuất tiếp tục rà soát các dự án chưa triển khai, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng.

Tương tự, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 của thành phố này là 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 35.000 căn hộ. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã hoàn thành 5 dự án với quy mô 2.377 căn nhà ở xã hội và một phần dự án nhà lưu trú công nhân với 368 căn.

Hiện tại, thành phố đang thi công 4 dự án, tổng quy mô 2.874 căn. Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thu hút sự quan tâm của 32 doanh nghiệp bất động sản. Kết quả, 21 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, dự kiến xây dựng 52.000 căn hộ tại quỹ đất tự tạo lập. Cùng với 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cơ bản đạt 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Tuy nhiên, ông Quân cũng chỉ ra những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội hiện này cần nhanh chóng được tháo gỡ như: thủ tục đầu tư phức tạp, thiếu quy định về hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và sự chậm trễ trong bố trí đất công phục vụ các dự án an sinh xã hội...

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, tỷ lệ hoàn thành các dự án nhà ở xã hội hiện nay rất thấp và cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Theo ông Hải, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có thu nhập thấp nhưng triển khai thành công chương trình nhà ở xã hội như Kenya. Dù thu nhập bình quân đầu người tại Kenya chỉ bằng 50% của Việt Nam và chi phí xây dựng cao hơn 20-30% nhưng Kenya đã thành công nhờ vào một số giải pháp như thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội, trích 3% quỹ bảo hiểm xã hội để xây dựng nhà ở.

Ông Lê Viết Hải đề xuất, Việt Nam nên khai thác hiệu quả nguồn từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng bằng cách Nhà nước mua lại nhà ở xã hội từ các nhà đầu tư để cho thuê hoặc bán lại. Với quỹ này, có thể xây dựng khoảng 200.000 căn hộ, đáp ứng gần 20% mục tiêu của Đề án. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi nên tập trung trực tiếp vào người mua nhà thay vì nhà đầu tư, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong triển khai.

Nhận định chung về kết quả phát triển nhà ở xã hội năm 2024, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Ngô Lâm cho biết, Bộ đã tích cực triển khai thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Đến nay, 51 địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn, 12 địa phương khác đang thẩm định để sớm ban hành.

Cùng đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan trung ương để trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024, đề ra kế hoạch triển khai Chỉ thị, nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Một trong những dấu ấn nổi bật trong thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” là Bộ Xây dựng đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai Đề án; giao chỉ tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 cho từng địa phương.

Đến nay, trên cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, trong đó 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp 57.652 căn; 133 dự án đang được khởi công với quy mô 110.217 căn và 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn. Ngoài ra, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai với 16 dự án ký kết hợp đồng vay vốn, tổng mức cam kết cấp tín dụng đạt 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.

Trong năm qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội như hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 16/3/2024 và ngày 17/5/2024. Một số giải pháp cụ thể được đưa ra bao gồm đề nghị Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mỗi bộ xây dựng 5.000 căn nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách Xã hội để đẩy mạnh các dự án trên địa bàn Hà Nội; ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Đồng thời ghi nhận việc TP Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện quy định bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội.

“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương để đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sôi động những ngày "nước rút"

Xây dựng nhà mới cho hộ bị thiên tai tại Bát Xát: Sôi động những ngày "nước rút"

Huyện Bát Xát có 1.291 hộ dân có nhà ở bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 (Yagi), trong đó có 125 nhà bị cuốn trôi, đổ sập hoặc hư hỏng trên 70%. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Bát Xát ưu tiên đặc biệt cho việc hỗ trợ các hộ dân bị mất nhà với phương châm xây nhà mới kịp thời, đảm bảo chất lượng, đúng mong muốn của người dân.

Tạo dấu ấn xuất khẩu cho chè Việt Nam

Tạo dấu ấn xuất khẩu cho chè Việt Nam

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Vì thế, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra dấu ấn mới trong xuất khẩu đang là thách thức đối với ngành chè Việt Nam.

Chung tay hành động đưa hàng Việt trở thành lựa chọn số một của người Việt

Chung tay hành động đưa hàng Việt trở thành lựa chọn số một của người Việt

Để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những "đại sứ hàng Việt", ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam, cùng chung tay hành động đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam.

Tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn

Người dân vùng lũ sẵn sàng về nơi ở mới: Tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn

Chỉ còn ít ngày nữa, những người dân đã phải trải qua nhiều đau thương, mất mát trong trận lũ quét và sạt lở đất ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng và các địa phương trong tỉnh sẽ được chuyển đến những ngôi nhà mới tại các khu tái định cư. Nhiều người bày tỏ cảm xúc của mình, nói rằng cảm giác này như một giấc mơ.

Những ngày nước rút trên công trường các dự án tái thiết khu dân cư sau lũ

Những ngày nước rút trên công trường các dự án tái thiết khu dân cư sau lũ

Vượt qua những khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, địa hình thi công phức tạp và sức ép tiến độ rất lớn, với sự chung tay, đồng lòng từ đơn vị thi công đến các cấp chính quyền và đoàn thể, các khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai đang trong những ngày nước rút để khánh thành, đón bà con về nơi ở mới vào ngày 15/12, vượt tiến độ 15 ngày so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

fb yt zl tw