Gia đình chị Lò Thị Sín ở thôn Làng Mới có 7 sào ruộng cấy lúa Séng cù. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm trong tuyển chọn hạt giống nên khi gieo cấy, tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng chậm. Qua trao đổi, học hỏi các hộ có nhiều kinh nghiệm trong thôn, chị Sín cho biết hạt giống cần được lựa chọn trên diện tích lúa phát triển đồng đều, lấy những hạt đầu bông sáng, hạt mẩy và đều về kích cỡ. Chị Lò Thị Sín cho biết: Gieo cấy hạt giống khỏe thì cây lúa phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh hại, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Xã Mường Vi hiện có diện tích cấy lúa Séng cù 2 vụ lớn nhất tỉnh, với 162 ha vụ xuân, 225 ha vụ mùa, tập trung ở 5 thôn: Ná Rin, Lâm Tiến, Ná Ản, Làng Mới, Cửa Cải.
Chủ tịch UBND xã Mường Vi - Tẩn Láo Ú thông tin: Mặc dù có diện tích gieo cấy và sản lượng khá lớn, nhưng nông dân thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó. Tuy nhiên, giống lúa Séng cù do người dân tự để giống cho sản xuất vụ sau nếu không lựa chọn tốt sẽ làm giảm chất lượng, năng suất lúa.
Trước thực tế này, năm 2021, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã triển khai dự án phục tráng và phát triển giống lúa đặc sản Séng cù tại xã Mường Vi, quy mô 5.000 m2, với sự tham gia của 5 hộ. Vụ lúa mùa 2023, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND xã Mường Vi triển khai sản xuất lúa giống Séng cù, với mô hình khảo nghiệm lúa lai thương phẩm quy mô 15 ha, định mức hỗ trợ 40 kg giống/ha; đơn vị thu mua toàn bộ sản phẩm lúa thuần Séng cù cho các hộ tham gia.
Theo ông Tẩn Láo Ú, để nâng cao giá trị lúa Séng cù, xã tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tạo ra các sản phẩm lúa gạo chất lượng, an toàn, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, đảm bảo lợi ích cho các bên.