Lạc giữa đào hoa...

YBĐT - Thế là lại đến mùa xuân ! Ngắm hoa đào nở rồi rụng mà lòng bỗng gợn những nỗi niềm riêng tây không dứt. Xác hoa rơi thắm cả vườn xuân mà gió đông cứ vô tình bay mải miết, ngỡ chẳng hề biết đến nỗi chạnh lòng của niềm li biệt. Bỗng mơ mộng nhớ đến nàng Lâm Đại Ngọc đa sầu đa cảm đứng chôn hoa rồi thở dài vạn kiếp.

Người ngọc cũng như hoa đã vĩnh viễn chẳng ở lại mãi cùng nhân thế, khiến người đến muộn cứ âm thầm tiếc:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

 (Thôi Hộ)

Về vườn xưa mà chẳng thấy bóng hồng thấp thoáng, ngắm gió đông cười mà lòng lạnh tê ! Cơn gió khéo vô tình hay tạo hóa vốn thích trêu ngươi? Phải chăng gió đông đang ngạo cười những kẻ tình chung nghĩa nặng? Chao ôi, nỗi niềm ấy sao giống đến vậy lúc chàng Kim trở lại vườn Thúy tìm nàng Kiều…

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông         

 (Nguyễn Du)

Cổ nhân vốn đã đa tình nên trách chi bao kẻ hậu sinh nhìn đào hoa thắm sắc mà lòng bối rối, cứ ngỡ má đào làm ánh hồng thêm cánh hoa. Những mĩ nhân cổ kim đã coi đào hoa là một phương thức bí truyền để điểm tô nhan sắc, hòng làm say lòng bao quân vương kẻ sĩ nhưng đâu biết chữ "hồng nhan mệnh bạc" chẳng rời xa khách phong lưu bao giờ… Vậy nên, "son phấn có thần chôn vẫn hận", khiến bao kẻ đa đoan phải làm thơ tặng người thiên cổ để thở than rồi thương mình, thương người không dứt…

Lạc giữa vườn đào mà tưởng như đang ở giữa chốn thiên thai huyền hoặc, bỗng thấy mình là Từ Thức giữa cõi đời xuân sắc, trần tục, chẳng mộng mị gì cõi tiên đầy hư vô, ảnh ảo…

Lại nhớ đến một bài thơ hai - cư của Ba-sô đầy bâng khuâng, mơ hồ:

Từ bốn phương trời xa

Cánh hoa đào lả tả

Gợn sóng hồ Bi-oa

Ở đây, không gian và vạn vật có sự tương giao kì lạ. Những cánh hoa đào mỏng manh lại có thể khiến mặt hồ gợn sóng, hay mặt hồ gợn sóng làm rụng rơi những cánh hoa ? Đến thiên nhiên vô tri mà còn hữu tình như thế thì huống gì thi nhân, sao có thể thờ ơ trước vẻ đẹp mà mỗi năm chỉ có một lần được ? Tôi ngờ Đỗ Phủ đã vì tiếc hoa đào mà thầm than rằng:

Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân

Một cánh hoa rơi đủ làm kém cả vẻ đẹp của mùa xuân đương mơn mởn cành tơ lộc biếc. Thế nhưng, hoa có nở rồi tàn thì mùa tiếp mùa mới đi qua để thi nhân chờ đợi.

Mùa xuân nay nhìn lại mà cảm phục vô cùng chuyện tình xưa của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với nàng công chúa nhà Lê kiều diễm - Ngọc Hân. Rồi bâng khuâng tự hỏi, giữa thời hiện đại ngày nay, liệu có còn một chàng hiệp sĩ đa tình nào phi ngựa bạt gió về kinh, đem theo cành đào xuân mừng chiến thắng giữa Tết muộn hoa rơi và dâng tặng người thương khiến cho nàng vui mừng đến bật khóc ? Dẫu khúc Ai tư vãn có buồn thì hoa đào cũng tự hào lắm thay vì đã được tôn vinh một mối tình chung vô tiền khoáng hậu và vì đã điểm tô cho sử vàng của đất nước thêm một trang hào hùng, lãng mạn.

Và đào hoa ơi ! Chắc trong nỗi niềm "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" của những người "Từ thuở mang gươm đi mở cõi" sao có thể thiếu hoa đào ? Dù đi xa đến đâu vẫn mong có một ngày được trở về đất Bắc, ngồi bên chén trà sương, nghe gió bấc hiu hiu và mưa xuân dìu dặt, mơn man trên cánh hoa đào thì lòng cũng đủ ấm lại. Hãy thử một lần để lòng mình lạc giữa đào hoa và nghe rưng rưng buồn nhớ những niềm thương đi, hỡi những tâm hồn xiết bao bận rộn…

 Nguyễn Thị Thu Hiền

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các nhà hát khẳng định điều này giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh, mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống. 

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe bánh mì”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Đặc biệt vở nhạc kịch "Cafe bánh mì" đánh dấu sự hợp tác của Nhà hát Kịch Việt Nam và ê-kíp sáng tạo đến từ Hàn Quốc. 

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

fb yt zl tw