Dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và huyện, thị xã, thành phố; bí thư, chủ tịch UBND các xã trong tỉnh.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh tại các địa phương
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh đã quán triệt tinh thần xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, cùng với những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp, của toàn thể hệ thống chính trị và Nhân dân.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh tại các địa phương. Hằng năm, UBND tỉnh đã tổ chức lễ ra quân phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng.
Công tác truyền thông được tập trung đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục và đổi mới, sáng tạo. Hệ thống tổ chức, bộ máy chỉ đạo quản lý chương trình được kiện toàn theo quy định. Ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo điều kiện cho các xã triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Các hoạt động phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều được quan tâm đầu tư; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục, do đó các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở sớm được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã huy động được hơn 5.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn này đã đầu tư cứng hóa, nâng cấp được 1.941,16 km đường giao thông nông thôn; người dân tự thực hiện cứng hóa 159,75 km đường ngõ xóm, liên gia. Đến nay, 100% xã có đường giao thông được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường tới trung tâm thôn với khoảng 98% số thôn, bản có đường đi lại thuận tiện bốn mùa. Các địa phương tích cực vận động Nhân dân nâng cấp, chỉnh trang nhà ở và xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm triển khai thực hiện, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 3.891 nhà ở (xây mới 2.370 nhà, sửa chữa 1.237 nhà)…
Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, bước đầu hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung (quế, chè, chuối, dứa...); nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả theo chuỗi sản phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt 66,67% kế hoạch giai đoạn; có 63/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 6 xã so với đầu năm 2021, đạt 74,12% kế hoạch giai đoạn; có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 5 xã so với đầu năm 2021.
Tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU; đề xuất, bổ sung các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU trong thời gian tới.
Để đạt mục tiêu theo Chỉ thị số 13-CT/TU đề ra, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới năm 2024, 2025 cần bám sát kế hoạch, nỗ lực hoàn thành từng tiêu chí; UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành thủ tục cần thiết để tỉnh phân bổ nguồn vốn; các ngành, địa phương chủ động lồng ghép nguồn vốn, vận dụng cơ chế, chính sách tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các xã về đích nông thôn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đối với các xã về đích năm 2024, 2025, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn cao hơn 30%, do đó phải tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, điều phối. Các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, khơi dậy phong trào thi đua từ tỉnh đến cơ sở.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới còn chậm. Việc duy trì mức độ đạt chuẩn tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao còn nhiều khó khăn và có nguy cơ bị thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn; chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra nguyên nhân của hạn chế trên là do việc triển khai xây dựng nông thôn mới có lúc, có nơi chưa tạo thành phong trào thi đua mạnh mẽ, chưa mang được nét đặc trưng riêng của địa phương. Các cấp, các ngành chưa thực sự chủ động, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận cộng đồng, Nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những nội dung người dân tự thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, trong đó trước hết cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện, cần thay đổi nhận thức "sợ về đích nông thôn mới", khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, sự quyết tâm của Nhân dân.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về ý nghĩa của mục đích xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân.
Sáng tạo, cụ thể hơn nữa trong vận dụng các cơ chế, chính sách, đưa ra các giải pháp cụ thể hoàn thành từng mục tiêu đề ra, đơn cử như mục tiêu xóa nhà tạm cần phấn đấu hoàn thành trước đại hội đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục phát động phong trào thi đua rộng khắp trong cả hệ thống chính trị và trong Nhân dân; có đánh giá, khen thưởng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, nhất là những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.