LCĐT - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều cơ sở chế biến gỗ, xưởng sản xuất ván bóc (gọi chung là cơ sở chế biến lâm sản) xuất hiện với mật độ khá dày. Trong số đó, nhiều cơ sở không chấp hành các quy định của Nhà nước hoặc không có giấy phép hoạt động đã và đang đặt ra những khó khăn trong công tác quản lý.
Việc đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý hồ sơ lâm sản trong chế biến chưa được các cơ sở sản xuất ở Bảo Thắng quan tâm.
Huyện Bảo Yên có nhiều cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động (hơn 40 cơ sở có giấy phép hoạt động và gần 10 cơ sở không có phép). Những năm qua, các cơ sở này đã góp phần tiêu thụ lượng lớn gỗ rừng trồng của các hộ dân. Sản lượng chế biến gỗ ván ép MDF là 10.406 m3 và hơn 3.637 m3 gỗ ván bóc. Các cơ sở đã tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng và góp phần giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động trực tiếp và hàng nghìn việc làm cho các hộ, hợp tác xã trồng rừng; giúp người trồng rừng sản xuất không phải lo đầu ra cho sản phẩm gỗ. Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng địa phương, tình trạng phát triển “nóng” cơ sở chế biến lâm sản đang gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là công tác quản lý nguồn cung cấp gỗ đầu vào và công tác đảm bảo môi trường tại các cơ sở này.
Là xã có diện tích rừng trồng cũng như rừng tự nhiên không lớn nhưng Cam Cọn đang có 7 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 4 cơ sở sản xuất ván bóc không có phép vẫn hoạt động và các cơ sở này đều không chấp hành việc xử lý rác thải, chất thải. Các cơ sở này đều không có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất mà họ thu gom nguồn nguyên liệu gỗ trôi nổi từ các cá nhân trong xã cũng như ở một số xã khác, do đó nguy cơ các cánh rừng phòng hộ và rừng tự nhiên bị xâm hại là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, biết là các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là cơ sở chế biến ván bóc hoạt động không phép đang khiến người dân bức xúc vì gây khói bụi, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, nhưng việc xử lý gặp không ít khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan.
Cũng như Bảo Yên, huyện Bảo Thắng hiện có 132 cơ sở chế biến lâm sản vừa và nhỏ của các hợp tác xã, hộ dân. Trong năm 2020, qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở chế biến lâm sản. Trong số 106 cơ sở được kiểm tra, có 76 cơ sở không thực hiện cam kết môi trường; 10 cơ sở không có phương án phòng, chống cháy nổ; 9 cơ sở hoạt động sai ngành nghề kinh doanh và đặc biệt có 20 cơ sở không có giấy phép hoạt động.
Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng cho biết: Huyện hiện có hơn 25.000 ha rừng trồng (chiếm hơn 26% diện tích rừng trồng toàn tỉnh), 132 cơ sở chế biến lâm sản (chiếm hơn 40% cơ sở chế biến lâm sản toàn tỉnh) nhưng địa phương vẫn chưa có khu tập trung dành riêng cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy, các cơ sở chế biến lâm sản còn nằm xen kẽ trong khu dân cư nên trong quá trình hoạt động gây tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông… ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, vừa qua, qua kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, lực lượng kiểm lâm huyện Bảo Thắng đã phát hiện, xử lý vụ 4 vi phạm về tàng trữ lâm sản trái phép và vi phạm quy định về quản lý hồ sơ trong chế biến lâm sản, qua đó đã xử phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước 24,5 triệu đồng, tịch thu 6,362 m3 gỗ... Nhiều cơ sở vẫn cố tình thu mua lâm sản không rõ nguồn gốc, điều này gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng của địa phương.
Thực tế ở Bảo Yên và Bảo Thắng cũng là tình trạng chung của các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 300 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến gỗ, lâm sản, chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của các hộ.
Việc gia tăng các cơ sở chế lâm sản, đặc biệt là các cơ sở ván bóc, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn, nâng cao giá trị kinh tế từ gỗ rừng trồng, tuy nhiên cũng mang đến nhiều lo ngại.
Qua khảo sát thực tế của phóng viên, hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là cơ sở chế biến ván bóc nằm ven các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh và các địa phương như Quốc lộ 279, 4E, 4D, 70, các tuyến tỉnh lộ như 152, 151, 153… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở hoạt động không phép chưa chấp hành tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ hoặc thu gom, xử lý rác thải và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do các quy định của pháp luật về cấp phép, quản lý hoạt động thông thoáng hơn, nhất là việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ của các hợp tác xã và hộ cá thể thuộc thẩm quyền của UBND huyện với thủ tục đơn giản nên những năm qua, số lượng cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, ở nhiều địa phương, chính quyền cơ sở còn buông lỏng quản lý, trong khi công tác kiểm soát lâm sản đầu vào của các cơ sở chế biến được nới lỏng rất nhiều, đây đang là kẽ hở để gỗ rừng tự nhiên được tuồn vào. Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với tỉnh các giải pháp quản lý chặt hơn hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản. Tuy nhiên, đóng vai trò chính trong quản lý vẫn là chính quyền cơ sở.
Việc phát triển các cơ sở chế biến lâm sản là hướng đi đúng, tuy nhiên để các cơ sở hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế mà không tổn hại đến công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường, an toàn giao thông thì cần có giải pháp bền vững. Chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần rà soát lại cơ sở chế biến lâm sản; kiên quyết đóng cửa cơ sở không có giấy phép hoạt động, xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường và làm mất trật tự, an toàn giao thông; triển khai phương án đưa các cơ sở vào khu tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, thiết lập lại các quy định về khai thác, vận chuyển lâm sản, gỗ rừng trồng, góp phần ngăn chặn việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để lấy gỗ tuồn vào các cơ sở chế biến lâm sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và các chủ cơ sở, từng bước đưa hoạt động chế biến lâm sản vào nền nếp.