Những “bài học” triệu view
Với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, thời gian qua những câu chuyện lịch sử đang được làm “tươi mới”, tạo nên sức hút với người xem. Ở đó, thông qua công nghệ đồ họa, phát thanh, các nhà sáng tạo nội dung đã giúp người xem “thoát ly” ra khỏi con chữ, trang sách bằng những câu chuyện lịch sử sinh động.
Có thể kể đến các kênh YouTube như “Dòng máu Việt”, “Sử lược - Tóm tắt lịch sử”, “EZ - Sử”… thu hút hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt theo dõi. Trong đó nhiều clip có hàng triệu lượt xem.
Điển hình như clip “Tóm tắt lịch sử Việt Nam qua 4.000 năm” với độ dài chỉ gần 21 phút nhưng đã thu hút tới 13 triệu lượt xem và hơn 173 nghìn lượt yêu thích.
Trong video, những mốc giới địa lý đất nước qua các thời kỳ, chuyện về các vị Vua, Anh hùng dân tộc, các trận đánh lớn... được trình bày rõ ràng, đẹp mắt. Các mốc thời gian được thay đổi uyển chuyển, đặt phía dưới giao diện của video để người đọc có thể xem đi xem lại từng giai đoạn khác nhau.
Bên cạnh đó, có một số kênh làm phim hoạt hình về lịch sử rất thành công như “Miền cổ tích” (với hơn 128 nghìn lượt đăng ký); “Vạn tích” (với hơn 45 nghìn lượt đăng ký) với những bộ phim hoạt hình 2D như “Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân”, “Giai thoại lịch sử Hai Bà Trưng”…
Cùng với YouTube, thời gian qua một số kênh TikTok làm về lịch sử cũng đang tạo hiệu ứng với người xem khi sở hữu số lượng lớn các bạn trẻ theo dõi như “Sử Việt oai hùng”, “Người kể sử Việt”… Điểm nhấn của các kênh này đều đi sâu phân tích một vấn đề trong các triều đại lịch sử, hay giai thoại về một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng, hoặc tóm tắt những số liệu, chi tiết quan trọng trong các trận chiến oai hùng của dân tộc… Hầu hết các clip đều đạt triệu view trên TikTok và có lượng người theo dõi thường xuyên, tạo hiệu quả tích cực trong việc khơi gợi sự tìm hiểu và yêu thích lịch sử Việt Nam.
Nhân lên tình yêu đất nước
Có thể nói, những nỗ lực của các bạn trẻ trong việc kể chuyện về lịch sử và văn hóa Việt Nam trên mạng xã hội thời gian qua chính là một cách để kính ngưỡng và tôn vinh di sản văn hóa của dân tộc. Việc lan tỏa niềm tự hào dân tộc qua các sản phẩm như vậy đã và đang tạo ra sự chú ý và tiếp tục in sâu hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam trong trái tim nhiều người trẻ. Đồng thời cũng giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và sự tự hào dân tộc.
“Có những điều rất sáng tạo và tôi cho đấy là lịch sử. Làm sao để lịch sử tiếp cận đến con người đương đại và họ trăn trở, suy nghĩ, học hỏi từ lịch sử. Đó là điểm cuối cùng để học Lịch sử” - nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khi nói về lịch sử, nhiều người thường nghĩ đến các bộ sách dày dặn của Nhà nước, quốc sử hay của các nhà sử học, rộng rãi hơn là sách giáo khoa cho học sinh. Cách truyền bá kiến thức đó thường một chiều, buộc người đọc phải nhớ. Điều này khiến môn Lịch sử trở nên xơ cứng và không hấp dẫn. Việc các bạn trẻ quan tâm đến lịch sử từ những video trên mạng xã hội nằm trong xu thế chung của phát triển công nghệ, mở ra không gian tri thức rộng rãi và có hiệu quả.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, cách truyền đạt lịch sử qua con mắt của các bạn trẻ khác với những nhà chuyên môn, nên rất gần gũi. Ngôn ngữ thể hiện của các bạn hiện đại, phù hợp với giới trẻ, nên tính hiệu quả rất cao. “Có những điều rất sáng tạo và tôi cho đấy là lịch sử. Làm sao để lịch sử tiếp cận đến con người đương đại và họ trăn trở, suy nghĩ, học hỏi từ lịch sử. Đó là điểm cuối cùng để học Lịch sử” - ông Dương Trung Quốc chia sẻ.
Tuy nhiên, để làm ra những sản phẩm “triệu view”, bên cạnh những hiểu biết về công nghệ, đòi hỏi các nhà sáng tạo nội dung phải trang bị cho mình một kho tàng kiến thức nhất định về lịch sử... Bởi thời gian qua, vẫn còn một số clip đăng tải những nội dung sai lệch, thông tin một chiều. Nguyên nhân một phần là các kênh về lịch sử đều được phát triển từ các cá nhân, các nhóm, tổ chức hình thành tự phát với niềm đam mê nên không tránh khỏi những lỗ hổng về kiến thức lịch sử.
PGS.TS Cao Văn Liên - nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) cho hay, cần lưu ý mạng xã hội là một phương tiện tốt nhưng cũng rất phức tạp. Các kiến thức lịch sử trên mạng phần lớn vẫn chưa thực sự sâu sắc và đôi khi sai sự thật. Mỗi người khi làm cần biết chọn lọc để có được nguồn thông tin chính xác. Chúng ta dùng mạng xã hội nhưng cũng đừng quên những cuốn sách lịch sử đã trường tồn theo thời gian. Đó là nguồn kiến thức chính thống nhất để chúng ta tìm hiểu lịch sử.
PGS.TS Cao Văn Liên - nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) cho hay, chúng ta dùng mạng xã hội nhưng cũng đừng quên những cuốn sách lịch sử đã trường tồn theo thời gian. Đó là nguồn kiến thức chính thống nhất để chúng ta tìm hiểu lịch sử.